Những quả quýt thông thường có đến 7, 8 hạt, màu sắc kém nổi bật, độ chua tương đối cao. Để khắc phục những nhược điểm trên, nông dân huyện Bắc Sơn đã triển khai nhiều biện pháp chăm sóc và mang lại hiệu quả tích cực.
Quýt Bắc Sơn là một trong những loại quả đặc sản nổi tiếng của huyện Bắc Sơn được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưa chuộng, sản phẩm này cũng đã theo chân khách du lịch đến các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tình trạng cây già cỗi, không được chăm sóc hợp lý khiến chất lượng quả kém ổn định. Nhằm nâng cao chất lượng quả quýt, đưa ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nông dân trên địa bàn huyện chủ động thay đổi phương pháp nhân giống và chăm sóc. Hai năm trở lại đây, chất lượng, mẫu mã quả quýt có những thay đổi tích cực.
Vấn đề được rất nhiều người quan tâm là lượng hạt trong mỗi quả quýt tương đối nhiều, trung bình khoảng 6, 7 hạt/quả; cá biệt có những quả trên 10 hạt. Qua tìm hiểu, nghiên cứu thấy rằng nguyên nhân khiến quả quýt có nhiều hạt là do lâu nay nông dân nhân giống bằng hạt. Để làm giảm lượng hạt trong mỗi quả, nông dân đã thay đổi phương pháp, nhân giống bằng cành chiết. Kết quả thành công ngoài mong đợi, hầu hết cây trồng bằng cành chiết đều cho quả rất ít hạt, hiện chỉ còn từ 1 – 3 hạt/quả.
Anh Phan Văn Hiền (thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn) cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha quýt nhân giống bằng phương pháp chiết cành. Các cây đã được 5 năm tuổi, số hạt trong mỗi quả chỉ khoảng 2, 3 hạt nên người tiêu dùng rất thích. Tôi đang tiếp tục chiết cành từ những cây có chất lượng tốt để cung cấp cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 80% nên chưa đáp ứng hết được nhu cầu của nông dân.
Ông Vi Đức Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Bên cạnh giảm hạt, nông dân trên địa bàn huyện còn nghiên cứu và triển khai một số phương pháp nâng cao chất lượng quả như: tăng kích thước, độ tươi sáng của vỏ, đặc biệt là độ ngọt cho quả.
Để tăng chất lượng quả, thay vì chăm sóc, bón phân theo phương pháp thông thường, nông dân huyện Bắc Sơn chủ động điều hoà lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây. Quýt là cây khó tính, bộ rễ yếu nên không bón cùng một lúc nhiều loại phân mà mỗi thời điểm chỉ được bón một loại phân khác nhau. Khắc phục điều này, nhiều người sử dụng phương pháp cho cây “ăn” qua lá để tăng nguồn dinh dưỡng.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp vào mùa mưa, khi sang mùa khô, cây sẽ yếu, dễ hỏng, chết… cho nên cần tập trung phát triển bộ rễ cho cây nhằm tăng sức chống chịu sâu bệnh và hút được nhiều chất dinh dưỡng nuôi quả. Vì vậy, sau khi thu hoạch, tỉa cành, tạo tán bón phân cho cây hồi phục. Từ tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm thích hợp sử dụng các loại phân bón có tác dụng giữ quả và để quả ngọt hơn thì bón phân kali đỏ vào tháng 6 đến tháng 8, đây là khoảng thời gian quả đang vào nước, cây phát triển mạnh. Đặc biệt, đất trồng quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn là đất đồi, núi, do đó, không nên sử dụng phân bón NPK cho đất mặn, đất chua mà còn chọn phân NPK cho đất đồi. Cùng với đó, cần tỉa thưa quả để tăng trọng lượng và giúp cây khỏe mạnh hơn.
Anh Phan Văn Hiền cho biết thêm: Nhờ đưa các phương pháp này vào áp dụng mà chất lượng quả được cải thiện. Năm 2017, quýt vườn nhà tôi cứ 6 quả là đạt 1 kg, hạt ít, quả bóng láng, vàng đều và độ ngọt được cải thiện rõ rệt.
Nhờ thay đổi các phương pháp sản xuất mà chất lượng quả quýt được cải thiện. Các phương pháp này cũng đang được nông dân tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thí điểm, thời gian tới sẽ được nhân rộng ra các xã trồng nhiều quýt như: Vũ Sơn, Tân Lập nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá trị của loại quả đặc sản này.
0 nhận xét: