Những ngày này đến với nhiều xã của huyện Thuận Châu, những vườn chanh leo quả sai lúc lỉu thu hút sự quan tâm của nhiều người. Những người nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với biết bao niềm vui, hy vọng một mùa chanh leo được mùa, được giá.
Thành viên HTX Chanh leo Thuận Châu phân loại quả trước khi xuất bán.
Vườn chanh leo hơn 3 ha trồng giống Đài Loan (Trung Quốc) được trồng theo kỹ thuật làm giàn đứng của gia đình anh Bùi Công Thành ở bản Chiên Luông Mai, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) cũng bắt đầu cho thu hoạch. Như một chuyên gia thực thụ, anh Thành chia sẻ với chúng tôi: Chanh leo là loại cây trồng mới, có đặc tính cần nhiều ánh sáng, nên tôi quyết định làm giàn đứng thay vì để chúng bò kín mặt giàn, bằng cách đóng các cọc thẳng hàng, chăng dây để chanh leo bám lên; mỗi cọc đứng cao 1,5 m, khoảng cách giữa các cọc 3 m.
Quả đúng là một sáng kiến mới trong cách trồng và đã đem lại hiệu quả, cây chanh leo cho quả to, tròn, mã đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài làm giàn theo phương pháp mới, anh Thành còn trồng cỏ phủ kín mặt đất để giữ ẩm, tránh rửa trôi; sử dụng các vỏ chai nhựa đục lỗ, cho băng phiến vào trong để xua đuổi côn trùng và tránh sâu bệnh gây hại. Mới bước vào đầu vụ mà trung bình mỗi lần, gia đình anh thu được từ 3 đến 4 tạ quả chanh leo, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại chanh leo thông thường.
Tiếp tục đến bản tái định cư Quỳnh Thuận, địa phương có diện tích và sản lượng quả chanh leo khá lớn của xã Phổng Lái. Vừa được thu hoạch những lứa chanh leo đầu tiên, anh Hoàng Quốc Khánh phấn khởi: Đây là năm đầu tiên nhà tôi trồng chanh leo đấy. Cây giống mua của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Loại cây này cho quả khá nhanh, sau 4 tháng đã ra quả và cho thu hoạch. Cứ 3 ngày lại được thu hoạch một lần; với 3.000 m², mỗi lần được 1 - 2 tạ quả; giá bán bình quân 12.000 đồng/kg. Ở bản Quỳnh Thuận này hiện có gần chục gia đình trồng chanh leo.
Nông dân bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) chăm sóc cây chanh leo.
Gắn bó với cây chanh leo từ những ngày đầu tiên, chị Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chanh Leo Thuận Châu nắm rõ từng vùng trồng chanh leo trên đất Thuận Châu. HTX chủ động liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua quả chanh leo cho người dân. Chị Bình rất vui: Chanh leo năm nay được mùa, dự kiến khi chính vụ, mỗi ngày HTX sẽ thu mua trên 3 tấn quả cho người dân với giá từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg.
Quả chanh leo của Thuận Châu đã được đem đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều Hội chợ, Tuần nông sản tại Sơn La, Mộc Châu, Hà Nội, được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã. Để phát huy tối đa hiệu quả của cây chanh leo, HTX Chanh leo Thuận Châu đang nghiên cứu thử nghiệm sản xuất nước chanh leo cô đặc.
Quả chanh leo được rửa sạch, hút phần dịch bên trong rồi trộn với đường, mật ong rồi đun sôi cho thứ nước cốt đặc biệt thơm ngon. HTX đã mang sản phẩm nước cốt chanh leo giới thiệu ở các hội chợ tại huyện, tỉnh và Thủ đô Hà Nội, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng chanh leo, bởi nếu sản xuất nước cốt chanh leo thành công và nhân rộng sẽ nâng cao giá trị của quả chanh leo cũng như thu nhập của người dân.
Nông dân xã Chiềng Pha (Thuận Châu) chăm sóc cây chanh leo.
Nhằm phát triển cây chanh leo theo hướng bền vững, từ đầu năm 2017, huyện Thuận Châu đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc rà soát vùng trồng chanh leo, tuyên truyền và vận động bà con tham gia trồng tập trung tại các xã: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Chiềng Ly và Bon Phặng với diện tích trên 160 ha. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo thống kê, năm 2018, toàn huyện đã xuất khẩu trên 800 tấn; năm nay Thuận Châu phấn đấu xuất khẩu 900 tấn chanh leo ra thị trường ngoài nước.
0 nhận xét: