Những trái mùng quân nho nhỏ, tròn xinh, chín màu tím đỏ được bày bán giữa phố. Kỷ niệm của một thời thơ ấu tràn về, ngập tràn trong nỗi nhớ thương. Quên sao được những buổi đi học về cùng chúng bạn cầm sào chọc bồ quân, tiếng cười nói vui vẻ, xôn xao cả một góc trời tuổi thơ.
Mùng quân, một số nơi còn gọi là hồng quân, bồ quân, bù quân. Cây mùng quân dáng không đẹp mấy, thân giòn, nhiều gai, cành rũ như dáng liễu nhưng được người ta ưa chuộng vì trái của nó được xếp vào loại “đặc sản” miền quê.
Thuở xưa, mùng quân nhiều lắm. Vài nhà là có một nhà trồng. Họ trồng trước sân hoặc sau vườn để làm cảnh, làm bờ rào, ăn quả, làm thuốc.
Tôi nhớ, thường thì từ tháng 8 trở đi, mùng quân cho trái chín rất nhiều. Nhà nào trồng dày thì thu hoạch mỗi ngày vài chục ký quả là chuyện bình thường. Ăn không hết thì đem cho làng xóm, số ít ngâm rượu. Rượu mùng quân ngon không kém rượu dâu tằm, rượu nho.
Nhớ những ngày thu về se lạnh, dưới những cơn mưa rào lác đác, cha tôi cùng các chiến hữu ngồi quây quần bên nhau, bên đĩa lạc rang hoặc con cá nướng. Không khí càng thêm ấm cúng khi những câu chuyện về đời mình được họ thay nhau kể trong hơi men mùng quân đậm đà.
Mùng quân còn theo chân những đôi quang gánh của các bà, các chị bán hàng rong có mặt ở từng góc chợ quê để bán kiếm tiền đổi cá, mắm.
Còn với chúng tôi, thứ trái nhỏ, tròn xoe, chỉ lớn hơn viên bi ấy lại là thức ăn vặt ngon lành. Mùng quân chín chuyển từ màu xanh sang tím đỏ, ruột hơi vàng nhạt, lúc thì hơi hồng, trông rất hấp dẫn. Vì màu sắc của mùng quân khi chín mà những đứa trẻ ngày ấy, đứa nào có nước da không trắng nhưng cũng không đen nhẹm đều được các cụ ví có nước da mùng quân.
Quên sao được những buổi chiều tan học về, vừa thả cặp xuống bàn, đám trẻ con chúng tôi lại í ới gọi nhau đến hái. Chúng tôi phải phân công nhau đứa cầm sào tre chọc quả, đứa thì cúi lượm trái. Hình ảnh những đứa trẻ quê nghèo lấy vạt áo hay mũ vải của mình ra để đựng những trái mùng quân chín tím đỏ đã trở nên quen thuộc.
Theo lẽ thường tình, trái cây càng tươi thì càng ngon và càng dập thì càng bị chê. Ấy vậy mà trái mùng quân lại nằm ngoài quy luật đó. Muốn ăn ngon thì phải vo tròn, phải chà xát, phải bóp cho dập đi, mềm nhũn ra, thì trái mới cho vị ngọt thơm.
Cắn đôi trái, vị ngọt từ từ trôi vào miệng, đọng lại ở cuống họng. Những trái chưa chín lắm, có vị chát xít đến tận răng, nhưng cũng được bọn trẻ con chúng tôi “xử” hết. Hôm nào nhiều, bọn con trai thường làm "đạn" để tố chọi nhau, rồi chơi trò bắn bi. Bọn con gái thì dùng làm nguyên liệu để chơi đồ hàng.
Trái mùng quân còn dùng làm thuốc. Theo đông y, nó có tác dụng làm se niêm mạc dạ dày và ruột, làm giảm tiết dịch vị, tốt cho gan mật, sạch khí huyết, nước sắc của rễ cây còn trị chứng tiểu rắt, tiểu khó ở nam giới… nên người dân thường dự trữ nó trong nhà, coi như bảo bối dùng khi cần.
Còn gai cây mùng quân là “vũ khí” lợi hại cho các “bữa tiệc” lễ ốc của các mẹ, các chị. Dùng nó lễ thì không thứ gì sánh bằng.
Bây giờ cây mùng quân lại hiếm và ít hơn. Hầu như không còn hiện diện trong các khu vườn ở quê. Ngoài chợ cũng chẳng mấy khi bày bán. Hình ảnh những cây mùng quân, trái chín nặng trĩu cành, xôn xao cả một góc trời tuổi thơ giờ chỉ còn trong ký ức.
Thi thoảng có những chuyến xe bán dọc phố. Nếu có dịp chạy xe sang bên kia sông Trà Khúc, phía trước khách sạn Mỹ Trà (TP. Quảng Ngãi), vẫn còn vài người trẻ cần mẫn bán từng ký mùng quân cho khách kèm với nhiều loại trái cây rừng khác. Giá cũng không hề rẻ, tận 70.000 đồng/kg.
Hỏi ra thì mới hay, mùng quân được nhập về từ tít tận xứ An Giang, chứ còn ở Quảng Ngãi và các vùng lân cận thì không còn nhiều. Thế mới thấy rằng cái gì càng khan hiếm thì càng đắt đỏ.
Dù đắt, ai cũng muốn thưởng thức. Nhiều thì vài ký, ít thì nửa ký, một ký. Có lẽ họ cũng như tôi, muốn thưởng thức lại loại trái cây chứa đầy khoảng trời thơ trẻ năm nào, mang đến một cảm giác thân thuộc, gần gũi, giản dị của quê nhà, đã từng nuôi sống đời sống tâm hồn trẻ thơ trong những năm tháng ấy.
Cây bồ quân hay mùng quân, hồng quân, cây quân…, có tên khoa học là Flacourtia jangomas (Lour.) Raeusch hoặc tên khác Flacourtia cataphracta Roxb., thuộc họ Bồ quân hay họ Chùm bao lớn Flacourtiaceae. Cây bồ quân thuộc loại thân gỗ, thân có gai, sống lâu năm ở vùng nhiệt đới, thường có trái vào mùa hè.
0 nhận xét: