Với ưu điểm trồng 6 tháng được thu hoạch, thời vụ thu rải rác trong cả năm; trừ chi phí cho thu lãi khoảng 10 – 15 triệu đồng/sào; đầu ra ổn định. Chanh leo đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân và một số doanh nghiệp.
Tháng 3 năm 2016, cây chanh leo được tổ hợp tác Khánh Hưng (nay là Hợp tác xã Duy Hưng), huyện Tràng Định trồng đầu tiên với diện tích 8 ha. Sau khi trồng 6 tháng cho thu quả với thời gian thu hoạch liên tục trong năm (trừ 3 tháng mùa đông).
Bà Triệu Tú Linh, Giám đốc Hợp tác xã Duy Hưng cho biết: Năm 2016, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi nghiên cứu và đầu tư trồng 8 ha chanh leo. Từ đó, vừa làm vừa học hỏi, tôi thấy cây trồng này không kén đất, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nước tưới phải đảm bảo thường xuyên… Đối với cây chanh leo, chi phí đầu tư 1 ha tương đối lớn (khoảng 400 triệu đồng). Tuy nhiên, chỉ cần chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất cao và sau khi thu hoạch 2 tháng sẽ có thể hoàn lại vốn. Chúng tôi dự định sẽ phối hợp cùng một hợp tác xã nữa để trồng thêm 10 ha chanh leo tại huyện Văn Lãng.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chanh leo, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều hộ gia đình, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trồng và mở rộng diện tích. Theo đó, từ 8 ha ban đầu (năm 2016), đến nay, tổng diện tích cây chanh leo trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng lên khoảng 90 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lộc Bình; Bắc Sơn; Tràng Định; Bình Gia; Văn Lãng.
Ông Vi Văn Ngàng, thôn Pò Sáy, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình chia sẻ: Tháng 6/2017, gia đình tôi trồng 500 gốc chanh leo. Sau 6 tháng trồng cây bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân, cứ sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng. Trong thời gian đó, nếu thời tiết thuận lợi cứ trung bình 2 – 3 ngày lại thu hái một lần, thu nhập khoảng 10 – 12 triệu đồng/đợt hái. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có một số doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển trồng và có đầu ra ổn định cho cây chanh leo như: Công ty Cổ phần Non Nước; Công ty Cổ phần Phú Lộc Phú Tài; các hợp tác xã: Duy Hưng; Dũng Tiến; Hòa Cường…
Trong đó, tiêu biểu nhất trong chuỗi phát triển kinh tế của cây chanh leo phải kể đến Công ty Cổ phần Non Nước. Hiện nay, công ty đã trở thành “bà đỡ” cho rất nhiều hộ trồng chanh leo từ khâu cung ứng giống, thuê kỹ sư hướng dẫn cách trồng, chăm sóc đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngay từ những ngày đầu trồng chanh leo, công ty đã xác định trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo quả có chất lượng thơm, ngon, mẫu mã đẹp, dễ xuất khẩu và có chỗ đứng trong thị trường. Sau đó, công ty đứng ra thu mua sản phẩm cho các hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (nếu có nhu cầu). Chỉ tính riêng năm 2017, thu nhập từ chanh leo mang lại cho Công ty Cổ phần Non Nước khoảng 1,2 tỷ đồng.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chanh leo và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2018 với số lượng 20 máy; chế biến được 6 tấn quả tươi/ngày. Với khối lượng công việc lớn, hiện nay, công ty đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 110 công nhân với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Vy Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Non Nước, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Từ tháng 9/2018, khi nhà máy chế biến đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày công ty thu mua khoảng 30 tấn quả vừa xuất khẩu, vừa chế biến. Hiện nay, nguồn chanh leo trên địa bàn tỉnh chưa đủ để đáp ứng nên chúng tôi đã phải nhập một lượng lớn chanh leo từ các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình. Tới đây, khi đầu tư thêm 10 máy chế biến, công ty sẽ thu mua thêm chanh leo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Nhu cầu của công ty là rất lớn nên bà con hoàn toàn có thể yên tâm mở rộng diện tích chanh leo trong thời gian tới”.
0 nhận xét: