Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Thanh niên vùng cao đi đầu trồng nho Hạ Đen

Cây nho Hạ Đen đã được trồng thử nghiệm thành công ở nhiều nơi. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ loại cây ăn quả này, anh Trần Văn Quý, (SN 1986) thôn Luồng, xã Tân Lập (Lục Ngạn) đã học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và mang giống nho Hạ Đen từ Trường Đại học nông- lâm Bắc Giang về trồng ở vườn nhà.

trái cây Bắc Giang, đặc sản Bắc Giang, du lịch trải nghiệm, nho không hạt, nho Hạ Đen, nho Tân Lập, nhho Tân Yên, nho Lục Ngạn, nho Bắc Giang, trồng nho
Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại vườn nho gia đình anh Trần Văn Quý, thôn Luồng, xã Tân Lập.

Những ngày đầu tháng 12 này, tại vườn nho Hạ Đen của anh Trần Văn Quý đông vui hơn hẳn bởi nhiều lượt khách đến tham quan. Những hàng nho thẳng tắp, trên giàn buông từng chùm quả chín sẫm, chùm to khoảng trên 01kg, trông như một vườn cây cảnh. Dịp cuối tuần, nhiều gia đình đã đến đây để chụp ảnh, thưởng ngoạn và mua nho tự hái, chiêm ngưỡng cảnh quan núi đồi của vùng cao huyện Lục Ngạn.


Chị Đào Thị Chung- Du Khách cho biết: “Tôi là người thích khám phá cái mới, do vậy sau khi nắm thông tin về vườn nho này đã rủ thêm một số bạn bè đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Vườn nho trồng kết hợp làm du lịch trải nghiệm nên được quy hoạch rất đẹp. Và thật ngỡ ngàng hơn khi mà ở xã vùng cao này lại có một mô hình trồng cây ăn trái tuyệt đẹp đến vậy”.


Là người năng động, ham học hỏi, anh Quý đã đến Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang- nơi đã trồng khảo nghiệm thành công giống nho này tại Việt Nam để tham quan, học tập kỹ thuật làm giàn, cách trồng và chăm sóc.


Tháng 3/2020, anh Quý cải tạo hơn 3 sào đất trồng vải thiều, cam ngọt, đầu tư mua 325 cây nho giống về trồng. Được các kỹ sư nông nghiệp của nhà trường hướng dẫn tận tình, cụ thể, anh chia diện tích đất thành nhiều luống, trồng gốc cách gốc 1 m, luống cách luống 3 m. Căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống. Bên trên làm mái che bằng nilon trong suốt để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển; sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo, các loại dây thép sử dụng để căng giàn đều là thép không gỉ. Để tiết kiệm chi phí công lao động đồng thời giữ ẩm cho đất, anh Quý sử dụng bạt che toàn bộ phần gốc bên dưới và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tưới nước và bón phân cho cây.


Sau gần 1 năm miệt mài chăm sóc, anh Quý đánh giá cây nho này khá phù hợp với khí hậu của địa phương. Cây ưa ẩm, chịu hạn tốt nhưng không chịu được úng. Quá trình trồng quan trọng nhất là phải làm giàn che bằng nilon, đặc biệt chú ý trị 2 loại sâu chính là bọ trĩ hút nhựa làm lá khô, rụng và sâu ăn lá. Cách chăm sóc cây nho này không quá khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật bón phân, phun thuốc sinh học phòng ngừa sâu thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.


Với khoảng trên 100 triệu đồng chi phí ban đầu cho 3 sào nho, song chu kỳ sinh trưởng của cây nho có thể lên đến 20 năm, mỗi năm thu hoạch 2- 3 vụ. Do vậy, hiệu quả kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định. Ở vụ đầu tiên này, dự kiến năng suất đạt hơn 3 tạ/sào. Với mức giá bán lẻ từ 150- 200 nghìn đồng/1kg, dự kiến sẽ thu về trên 100 triệu đồng, thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.


Anh Trần Văn Quý cho biết: "Với kết quả bước đầu như vậy, tôi khẳng định có thể tự tin để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, phát triển mô hình này trong thời gian tới thêm 5 sào, gồm các giống: Nho Mẫu Đơn, nho Ngón Tay để cung cấp cho người tiêu dùng những chùm nho sạch, ngọt, quả to đẹp, đều hơn qua hệ thống siêu thị”.

trái cây Bắc Giang, đặc sản Bắc Giang, du lịch trải nghiệm, nho không hạt, nho Hạ Đen, nho Tân Lập, nhho Tân Yên, nho Lục Ngạn, nho Bắc Giang, trồng nho
Anh Trần Văn Quý cùng cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lập trao đổi kỹ thuật trồng nho Hạ Đen.

Theo thống kê, xã Tân Lập hiện có trên 1,1 nghìn ha cây ăn quả các loại, gồm: Vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi năm giá trị mang lại cho người dân xã Tân Lập hàng trăm tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí nâng cao thu nhập, xã đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất cây ăn quả theo quy trình ViettGap và GlobalGap. Dần hình thành các tổ liên kết, hợp tác xã, để sản phẩm làm ra có năng suất, chất lượng, giá trị cao, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho nhân dân”.


Có thể đánh giá, cây nho Hạ Đen hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Đây được xem là mô hình mới mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho nông dân trên địa bàn. Trong thời gian tới xã Tân Lập sẽ đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng quy trình sản xuất sạch, đồng thời xây dựng thương hiệu nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.


Lần đầu tiên, nho Hạ đen được trồng thử nghiệm thành công ở Bắc Giang.

Quang Huấn - Vũ Đoàn /  Truyền hình Lục Ngạn


Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: