Chanh dây là cây trồng không mới với nông dân trong tỉnh nhưng trồng theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm là cách làm khá mới mà một số hộ dân đã thành công. Điều này đang mở ra cho nông dân trong tỉnh hướng phát triển chanh dây một cách bền vững, tăng thu nhập kinh tế hộ.
Vài năm trở lại đây, giá một số mặt hàng nông sản bấp bênh, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của nhiều hộ dân. Trước tình hình đó, ông Đặng Tấn Huynh ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng cà phê già cỗi sang trồng chanh dây theo hướng hữu cơ.
Để có được vườn chanh dây hiệu quả, ông coi trọng khâu chuẩn bị đất trồng. Theo đó, sau khi nhổ bỏ cà phê, ông đảo đất, để đất trắng khoảng 6 tháng, sau đó sử dụng thuốc diệt mối, kiến, bón vôi bột để tăng độ PH cho đất. Bón vôi, còn giúp cho ông loại bỏ bớt mầm bệnh, kết hợp với phân vi lượng, phân chuồng, men vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất. Kỹ thuật làm giàn chắc chắn, bảo đảm an toàn cho cây lúc ra trái hàng loạt cũng được ông chú trọng.
Theo đó, chi phí đầu tư cao hơn so với thông thường, bình quân 1 ha chanh dây gồm các khoản, như cây giống (800 cây), hệ thống tưới tiết kiệm, trụ, dây kẽm, thuê nhân công chăm sóc từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Sau khi trồng khoảng 4-5 tháng, chanh cho thu hoạch, nhưng khi vào chính vụ khoảng 7-8 tháng, đạt từ 300-400 trái/cây.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cộng với việc chăm sóc đúng cách, vườn chanh chanh cho trái đẹp, hương thơm nồng, vị chua ngọt, năng suất tốt. Ưu điểm của loại cây này là cho thu hoạch quanh năm, thời gian kéo dài 4-5 năm. Trong quá trình chăm sóc, nhà nông chỉ cần cắt tỉa những cành già cỗi, cành bệnh.
Hiện nay ông Huynh đã liên kết với Công ty TNHH sản xuất, thương mại rau quả Nhiệt Đới (TP. Hồ Chí Minh) để bao tiêu sản phẩm chanh dây. Sản phẩm sau khi sơ chế được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Giá bán dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi từ 300-400 triệu đồng/vụ. “Quan trọng nhất để đạt tiêu chuẩn chanh dây hữu cơ đó là việc hạn chế đến mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm phải an toàn với sức khỏe người sử dụng. Theo đó, tôi sử dụng các sản phẩm như ớt, gừng, tỏi, men vi sinh, để phòng bệnh, hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật nên khi test mẫu các chỉ số đều đạt cao”, ông Huynh khẳng định.
Cũng phát triển chanh dây theo hướng hữu cơ, anh Lương Văn Hiệp ở thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: Gia đình hiện có 12 ha chanh dây, đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm. Chanh dây trồng lâu năm dễ mắc các bệnh như rầy nâu, rầy trắng, nhện đỏ, ruồi vàng chích quả. Nhưng anh hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các giải pháp như cắt tỉa ngọn, lá, cành thông thoáng.
Anh Hiệp nhấn mạnh: “Bí quyết của gia đình là làm giàn cao, thoáng vừa tiện chăm sóc vừa phòng bệnh. Cùng với đó sử dụng hệ thống tưới phun mưa từ trên dàn xuống, việc này có nhiều tác dụng như sạch bụi bẩn trong vườn, rửa trôi các mầm bệnh như nấm, khuẩn nên cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh”.
Chanh quả to tròn, chất lượng tốt nên sản phẩm chanh dây của gia đình anh Hiệp đã được một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chanh dây trong nước bao tiêu với mức giá khá cao và ổn định. Trung bình mỗi ha anh có mức thu nhập khoảng 450 triệu đồng/năm.
0 nhận xét: