Kỳ Sơn là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, có biên giới giáp với nước bạn Lào. Nơi đây được mệnh danh là Sa Pa của vùng Bắc Trung Bộ khi quanh năm mây mờ bao phủ, núi rừng xanh bạt ngàn, nuôi dưỡng các loại cây cối xanh tươi.
Thiếu nữ người Mông thu hái lê rừng.
Vốn là loại quả được trồng chủ yếu ở nơi có khí hậu lạnh của núi rừng Tây Bắc, lê rừng hay còn gọi là mắc cọp được đồng bào người Mông , vùng cao Nghệ An trồng và thu hoạch hoàn toàn tự nhiên không phun thuốc sâu, thuốc kích thích.
Có 2 giống lê rừng là lê rừng xanh và lê rừng nâu. Ở vùng cao Kỳ Sơn, giống lê rừng nâu thịnh hành hơn, chúng có hình dáng tròn, dẹp, ăn giống lê bình thường nhưng vị ngọt, mùi thơm nhẹ, vỏ có màu nâu nhạt giống vỏ hồng xiêm. Trái lê rừng cứng hơn lê thường, to chừng cái chén uống nước.
Lê rừng (mắc cọp) được đồng bào người Mông trồng hoàn toàn tự nhiên không phun thuốc.
Theo các già làng người Mông, những cây lê rừng từ xa xưa đã được cha ông họ mang theo từ khi di cư sang vùng đất này, một số khác đưa giống từ Lào về. Thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên năm nào cây lê cũng trĩu quả và rất thơm ngon.
Lê rừng được xếp vào một trong những loại trái cây tốt cho sức khỏe bởi chứa nhiều chất xơ hơn hầu hết các trái cây khác, rất có lợi cho tiêu hóa. Ở miền tây Nghệ An, Lê rừng được bán ở các chợ với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Lê rừng cho ra hoa vào đầu tháng 5, đến tháng 8 thì bắt đầu cho ra quả.
Trên các bản làng người Mông ở xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) thời điểm này đang là mùa chín rộ của quả mắc cọp (hay còn gọi là lê rừng).
0 nhận xét: