Dù năm nay dứa được mùa, nhưng đây không phải một vụ dứa thành công đối với người trồng dứa, bởi giá bán thấp, tiêu thụ khó.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng diện tích dứa toàn tỉnh Lào Cai năm 2018 là 1.180 ha, trong đó hơn 1.000 ha cho thu hoạch. Dứa được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Bản Lầu (Mường Khương), Bản Phiệt, Bản Cầm (Bảo Thắng) và một số diện tích nhỏ, rải rác tại thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát. Hiện dứa đã vào cuối vụ thu hoạch, riêng huyện Bát Xát đang thu hoạch rộ. Năm nay, cây dứa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 22,8 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 23.000 tấn, nhưng giá bán đạt thấp. Vào chính vụ, có những thời điểm giá dứa chỉ đạt 1.000 đồng/kg, thậm chí không có tiểu thương hay doanh nghiệp đến thu mua.
Xã Bản Lầu (Mường Khương) được coi là “thủ phủ” của cây dứa, với tổng diện tích trên 700 ha. Dứa năm nay được mùa, quả to, mọng, mẫu mã đẹp, nhưng có thể coi là một vụ dứa thất bại nặng nề đối với người trồng dứa tại Bản Lầu, bởi “được mùa nhưng mất giá”. Khi dứa bước vào vụ thu hoạch, hàng trăm ha dứa bị thối lõi, ủng, nhũn do ảnh hưởng bởi hiện tượng lắng đọng axit và quặng đồng. Một số nương dứa dù đã được ký hợp đồng, thương lái đặt tiền từ trước đó nhưng người dân đành trả lại tiền do dứa thối. Tại những nương dứa không bị ảnh hưởng, dứa vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, nhưng chỉ một số ít diện tích cho thu hoạch sớm (từ tháng 1/2018) là được giá.
Năm nay, gia đình anh Nông Văn Thuận, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu trồng 30.000 gốc dứa, tương đương với năng suất hơn 30 tấn. Là một trong những hộ có dứa thu hoạch từ đầu vụ nên nương dứa nhà anh Thuận được thương lái mua với giá 150 triệu đồng (5.000 đồng/kg). Thế nhưng anh Thuận chỉ là một trong số ít hộ may mắn bán được dứa với mức giá này. Nương dứa nhà anh Nông Văn Nam, thôn Na Mạ 2 ở ngay gần nương dứa của anh Thuận, nhưng cho thu hoạch muộn hơn khoảng 1 tháng (thời điểm thu hoạch rộ), đúng đợt giá dứa xuống thấp, chỉ đạt 1.000 - 1.500 đồng/kg (giá bán lẻ). Theo tính toán của anh Nam, chỉ riêng tiền công bẻ dứa và vận chuyển đã vào khoảng 1.000 đồng/kg, nếu bẻ dứa để bán lẻ thì chắc chắn lỗ, do phải mất công ngồi bán trong khi chưa chắc đã có người mua. Anh Nam đành để 3 vạn gốc dứa thối ở trên nương, coi như “mất trắng” vụ dứa năm nay.
Giá bán thấp, nhiều hộ có nương dứa ở gần đường, không mất nhiều chi phí vận chuyển đành chấp nhận chịu lỗ, bẻ dứa về bán lẻ với mong muốn “vớt vát” được phần nào chi phí đã đầu tư. Ông Vương Văn Thắng, thôn Na Nhung cho biết: Dù không có lãi nhưng tôi vẫn cố gắng bẻ dứa đem ra bán bên đường, bởi đằng nào cũng mất công bẻ dứa quả đi để cây dứa nuôi cây con, làm giống cho vụ sau. Nếu không bẻ đi thì vụ sau lại mất thêm tiền mua giống.
Người dân tại Bản Lầu giải thích nguyên nhân giá dứa xuống thấp là do phía Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính) ngừng thu mua, các tiểu thương, doanh nghiệp cũng thận trọng trong việc mua dứa. Nhiều hộ cho rằng, nguyên nhân của việc tiêu thụ khó khăn một phần do tâm lý lo ngại dứa bị thối lõi, chất lượng không đảm bảo, nhiều thương lái cũng lấy đó ép giá dứa giảm sâu. Ông Thắng phân trần: “Nhiều diện tích dứa hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi mưa axit hay lắng đọng kim loại, nhưng do tâm lý lo ngại bởi một vài đơn hàng bị hủy trước đó, nên thương lái dừng mua".
Do ảnh hưởng chung từ những địa phương có diện tích dứa lớn nên giá dứa tại các địa phương khác như Bảo Thắng, Bát Xát, thành phố Lào Cai cũng giảm đáng kể. Mọi năm, giá dứa đạt khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ đạt 2.000 đồng/kg.
Trung tuần tháng 7, thời gian thu hoạch dứa gần như đã kết thúc, chỉ còn một sản lượng nhỏ dứa cuối vụ đang được người thu hoạch nốt thì giá dứa bất ngờ tăng do thương lái mua trở lại. Tại Bản Lầu, dứa cuối vụ, loại quả nhỏ, mẫu mã kém hơn dứa chính vụ (hay còn gọi là dứa bi) cũng được mua với 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng người dân không còn dứa để bán (trước đó loại dứa này hoàn toàn không được thu mua). Tại huyện Bát Xát, dứa đang vào vụ thu hoạch rộ, giá dứa tăng nhẹ so với tháng 6, đạt 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Trước tình trạng giá dứa thiếu ổn định, tiêu thụ bấp bênh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định các vùng trồng dứa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mục đích khác. Đồng thời, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sản xuất dứa theo quy trình an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để điều khiển việc ra hoa, rải vụ quanh năm, tránh tình trạng dư thừa cục bộ khi dứa vào chính vụ thu hoạch.
Từ một vụ dứa không mấy hiệu quả, tỉnh Lào Cai nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm ra hướng đi mới an toàn và bền vững hơn đối với cây trồng này.
0 nhận xét: