Ngoài lòn bon, những năm gần đây người dân xã Tiên Mỹ (Tiên Phước) còn trồng măng cụt - loại cây ăn quả bán lúc nào cũng được giá. Thực tế cho thấy, cây măng cụt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau 7 năm, những cây măng cụt của hộ ông Hòa đã cho ra trái. |
Nhận thấy cây măng cụt mang lại thu nhập cao, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân xã Tiên Mỹ đã đầu tư vào loại cây này. Điển hình như hộ ông Ngô Minh Hòa (thôn 7) đã mạnh dạn trồng 100 cây măng cụt. Sau 7 năm chăm sóc, năm 2017, ông bắt đầu thu hoạch 15 cây ra trái đầu tiên. Chỉ với 15 cây này, mỗi năm ông thu được hơn 20 triệu đồng. Theo ông Hòa, đa số người dân trồng măng cụt xen với các loại cây khác chứ không trồng chuyên canh. “Ban đầu, một hai người trồng với số lượng ít. Qua thời gian, thấy loại cây này có giá trị cao nên nhiều người bỏ vốn đầu tư trồng măng cụt với số lượng lớn. Đến mùa, thương lái vào tận vườn mua với giá 80 - 130 ngàn đồng/kg, nếu đem ra chợ bán với giá 140 ngàn đồng/kg” - ông Hòa chia sẻ.
Ở thôn 7 còn có anh Phan Phạm Huy Tiến, trồng khoảng 100 cây măng cụt, 2 năm nay đã có 4 cây ra trái. Anh Hùng trồng xen 40 cây măng cụt trong khu vườn rộng hơn 5.000m2 cùng với chôm chôm, lòn bon. Nhờ điều kiện thời tiết và đất đai phù hợp, lại được chăm sóc cẩn thận nên vườn măng cụt của anh Hùng, anh Tiến phát triển rất tốt. “Với 25 cây đã cho trái, mỗi năm tôi thu khoảng 50 triệu đồng. Sắp tới, tôi đầu tư phát triển thêm loại cây này” - anh Hùng cho hay.
Vườn ông Đồng Thanh Cường (thôn 6) cũng có khoảng 40 cây măng cụt đang ra trái. Ông Cường cho biết, măng cụt là loại trái cây sạch, ngoài bón phân hữu cơ và tưới nước cho cây, ông không sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc nào. Măng cụt ở địa phương ông thường được thương lái mua về bán lại cho khách Tây ở Hội An, Đà Nẵng.
Tiên Phước hiện có hơn 100ha măng cụt và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo ông Nguyễn Nhĩ (thôn 7), trồng cây măng cụt không tốn công chăm sóc như các loại cây khác. Mỗi năm ông bón khoảng 300kg phân chuồng cho cây loại lớn và khoảng 50kg phân chuồng cho cây nhỏ. “Có năm bão lớn, các cây ăn trái khác bị ngã đổ nhưng cây măng cụt vẫn đứng vững. Lá có rụng nhưng sau đó hồi phục rất nhanh. Bởi thế, tôi đang có ý định trồng thêm loại cây này” - ông Nhĩ nói.
Ông Võ Đoàn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Mỹ cho hay, hiện toàn xã có khoảng 700 hộ trồng măng cụt, trong đó có khoảng 6.500 cây đã cho thu hoạch. Năm 2018, trên địa bàn xã đã thu hoạch khoảng 18 tấn măng cụt. Bên cạnh cây trồng chủ lực là tiêu, trồng cây ăn quả là mô hình đang hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Tiên Mỹ, đặc biệt là cây măng cụt đang có nhiều triển vọng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phụng (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, toàn huyện hiện có hơn 100ha măng cụt, chủ yếu ở các xã vùng thấp như Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Kỳ. Đây là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Dù không phải là cây bản địa như lòn bon, nhưng măng cụt vẫn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Tiên Phước. Huyện đang triển khai đề án 02/ĐA-UBND về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng mới và chăm sóc các loại cây trồng như tiêu, thanh trà, măng cụt, sầu riêng, lòn bon..
0 nhận xét: