Từ một vài hộ trồng ban đầu, đến nay, diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch đã tăng lên hơn 100ha, trở thành cây làm giàu của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục trồng 7.000 trụ thanh long ruột đỏ, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng. |
Về xã Vân Trục (Lập Thạch) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình của một vùng đất khô cằn, sỏi đá. Nổi bật giữa những vườn, đồi thanh long ruột đỏ rộng lớn tràn đầy nhựa sống là những ngôi nhà khang trang của bà con nông dân. Điểm dừng chân của chúng tôi là mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Long.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Long cho biết: Vân Trục là xã nghèo, nhiều đời nay, người dân sống bằng nghề trồng ngô, sắn và bạch đàn, trong khi đó, giá trị các loại cây trồng này rất thấp. Vì vậy, cuộc sống của người dân đã khó lại càng khó hơn, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Và rồi, sự “bén duyên” với cây thanh long ruột đỏ đã giúp gia đình ông và người dân nơi đây có cuộc sống khá giả.
Từ 500 trụ thanh long năm 2007, đến nay, gia đình ông mở rộng lên 7.000 trụ thanh long ruột đỏ. Do chăm sóc đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP và sự thích nghi với đặc điểm đất đai, khí hậu ở đây, tạo cho quả thanh long ruột đỏ có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác nên được thị trường rất ưu chuộng.
Theo ông Long, thời gian thu hoạch quả từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Nếu thâm canh tốt, đúng tiêu chuẩn, sau 3 năm trồng cho thu hoạch 20 - 30kg quả/trụ. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, những quả thanh long của gia đình ông được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Hồng Kông. Riêng năm 2018, gia đình thu 1,2 tỷ đồng.
Thanh long ruột đỏ đem lại nguồn thu nhập và việc làm ổn định cho bà con nông dân. |
Làm giàu cho gia đình, gắn bó và tâm huyết với cây thanh long ruột đỏ, ông Long luôn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân, từ đó, nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích cây trồng này, góp phần không nhỏ xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Sau nhiều năm thực hiện dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ, có thể khẳng định, chưa có cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao như cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch. Theo tính toán của các hộ trồng, 1ha thanh long ruột đỏ cho sản lượng 15- 20 tấn/năm, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 250- 300 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả của dự án, đến nay, quy mô trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện đã tăng lên hơn 100ha; nhiều hộ còn mở rộng diện tích quy mô lớn, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm quả tương đối đồng đều về hình thức và chất lượng. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế khó tính như Úc, Nhật Bản, Nga…
Chia sẻ về quy trình trồng cây thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Huy Lập, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch cho biết: Quy trình trồng cây thanh long ruột đỏ hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ được ủ hoai mục. Vấn đề sâu bệnh gần như không có nên người dân hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về sản phẩm.
Thanh long ruột đỏ dần trở thành cây trồng, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc. |
Để tiếp tục tạo ra những quả thanh long ruột đỏ chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2018, huyện Lập Thạch tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ tại huyện giai đoạn 2017 - 2020 với quy mô 300 ha. Trong đó, cải tạo 100 ha hiện có và mở rộng trồng mới 200 ha tại 5 xã: Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý và Quang Sơn.
Với 200ha trồng mới, tỉnh hỗ trợ hơn 234 triệu đồng/ha năm thứ nhất; hơn 21 triệu đồng/ha chăm sóc năm thứ 2. Đối với việc cải tạo 100ha thanh long đã có, tỉnh hỗ trợ cải tạo năm thứ nhất hơn 84 triệu đồng/ha, năm thứ 2 hơn 29 triệu đồng/ha. Hỗ trợ 50% máy xới đất cho các hộ sản xuất; hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP; hỗ trợ in ấn tem nhãn và hộp đựng quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, UBND huyện Lập Thạch hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ thông qua việc ký kết với một số doanh nghiệp như: HTX Bình Minh (Bình Xuyên), Siêu thị Coo.p Mark, Siêu thị Big C, Hội thanh long của huyện... để đưa thanh long vào bán tại các siêu thị và thị trường trong nước; chủ động ở nhiều khâu để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm thị trường, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, cuối năm 2018, Lập Thạch xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Úc và 20 tấn sang thị trường Hồng Kông. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ trên thị trường quốc tế.
0 nhận xét: