Hồng ngâm Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã vào vụ chín rộ, được mùa, được giá. Hiện, bà con nơi đây đang hối hả thu hoạch, kịp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hồng Bảo Lâm đang vào vụ thu hoạch, được mùa, được giá. |
Được biết, hồng Bảo Lâm dễ trồng, khoảng 6 -7 năm thì thu hoạch, quả vàng au, đẹp mã, không có hạt, sau khi ngâm, ăn có vị ngọt tự nhiên và giòn. Vì lý do đó, loại hồng có hiệu quả kinh tế cao này, đã được xếp vào danh sách 1 trong 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam.
Hồng Bảo Lâm, có nguồn gốc xuất xứ từ xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, nhưng đây là địa phương vùng biên giới, sát Cửa khẩu Hữu Nghị Việt - Trung, bà con ở đây có nhiều việc để làm, dần dần cây hồng bị bỏ bê, không chăm sóc nên dần thoái hóa và mất gốc. Vì vậy, bà con các xã trong huyện như Hòa Cư, Gia Cát… đã đem về trồng và thuần phục trên 30 năm nay.
Ông Tô Hồng Sỹ, dân tộc Tày, xã Gia Cát, là người trồng hồng trên 30 năm nay, cho biết, nhà ông có 250 gốc hồng, và 2 loại hồng, đó là hồng cau (có hình dáng như qủa cau), và hồng Bảo Lâm. Tuy nhiên, hồng cau quả bé, cây đã lâu năm, cằn cỗi, giá trị không cao nên đang loại bỏ dần. Bình quân mỗi cây cho 50 -70kg, hồng cau bán tại vườn, có giá 10 – 11.000 đồng/kg; hồng Bảo Lâm 30 – 32.000 đồng/kg.
Riêng hồng Bảo Lâm của ông Sỹ, cũng chia làm 2 loại, loại vài chục năm tuổi, đã cho thu hoạch ổn định; loại 3 - 4 tuổi đang được chăm sóc tốt; chưa kể, mỗi năm lại trồng mới khoảng 20 – 30 cây. Theo đó, có 2 cách trồng hồng thông dụng, đó là dâm bằng rễ, 6 - 7 năm mới cho quả, chậm một chút, nhưng cây khỏe hơn; hoặc ghép cành, 4 – 5 năm đã có quả.
Ông Lã Văn Lâm đang thu hoạch hồng, để kịp cho khách chuyển về Hà Nội. |
Ông Lã Văn Lâm, xã Hòa Cư, cũng cho biết, ông trồng hồng từ khi còn thanh niên, từ những năm 1990 đến nay. Trước đó, từ đời bố mẹ ông cũng đã trồng loại hồng không hạt này. Hiện, gia đình ông có 2 ha đất đồi rừng, trồng 600 gốc hồng, trong đó có 300 cây đã cho thu hoạch ổn định trên 10 năm nay; 300 cây còn lại, có cây đã bắt đầu bói quả.
Theo đó, đầu ra cho hồng Bảo Lâm khá đơn giản, sau khi thu hoạch, được thương lái đến thu mua tại nhà. Giá bán tại vườn, loại nhỏ 25 – 30.000 đồng/kg; lọại to, đẹp có giá cao hơn 35 – 40.000 đồng/kg, chủ yếu chuyển về Hà Nội, đi T.P Hồ Chí Minh và các địa phương trong Nam, ngoài Bắc, tùy theo đơn hàng.
“Cách xử lý hồng để hồng không chát, khá đơn giản, chỉ cần ngâm trong nước sạch 3 ngày, 3 đêm, sau đó vớt ra, để 1 đêm nữa cho ráo nước là vừa chín ngọt. Hiện, gia đình tôi các cháu đã trưởng thành, chỉ có 2 vợ chồng tham gia trồng, chăm sóc, và bán cho thương lái. Thu nhập lãi ròng năm 2017, đạt 250 – 300 triệu đồng. Dự kiến, năm 2018 cũng xấp xỉ như vậy” – Ông Lâm chia sẻ.
0 nhận xét: