Quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… là những giải pháp cụ thể được UBND huyện Tràng Định triển khai để nâng cao chất lượng và giá trị của cây quýt.
Quýt là cây trồng truyền thống đã có từ rất lâu trên địa bàn huyện Tràng Định. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, nhận thấy hiệu quả kinh tế, phong trào trồng quýt mới bắt đầu phát triển mạnh. Từ vài chục héc –ta quýt, hằng năm, nhân dân trên địa bàn huyện phát triển thêm từ 20 đến 30 ha. Đến nay, tổng diện tích cây quýt của huyện tăng lên 570 ha. Trong đó, 350 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Chi Lăng, Vĩnh Tiến.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây quýt, mỗi năm huyện phối hợp tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con; hướng dẫn thực hiện quy trình chăm sóc cây quýt theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017.
Ông Hoàng Văn Píu, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng cho biết: Từ năm 2010, gia đình tôi bắt đầu trồng quýt. Hiện nay, tôi có 700 gốc quýt, trong đó có khoảng 500 gốc đang cho thu hoạch. Trước đây, tôi thường sử dụng phân bón hóa học và chưa biết đến phương pháp tỉa cành. Từ năm 2017, sau khi áp dụng quy trình trồng, chăm sóc quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng quýt cao hơn hẳn. Quả to, mẫu mã sáng, đẹp, đặc biệt là giảm hẳn tình trạng vàng lá. Nếu như trước đây, trung bình mỗi cây chỉ cho thu từ 40 đến 80 kg quả, thì từ khi gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật, mỗi cây cho thu từ 50 kg đến 1 tạ quả. Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu khoảng 5 tấn quả, với giá bán bình quân 8 – 10 nghìn đồng/kg, thu nhập ước khoảng 50 triệu đồng.
Nhờ bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật; hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ… nên năng suất, chất lượng quýt của huyện ngày càng được cải thiện và nâng cao. Theo đó, vụ quýt năm nay, năng suất quả ước đạt 13 tấn/ha (tăng 1 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2017); sản lượng 4.550 tấn; doanh thu ước đạt 35 tỷ đồng.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cây quýt được xác định là một trong trong những cây trồng chủ lực của huyện. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ hơn 100 hộ dân áp dụng quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 100 ha. Tới đây, huyện sẽ đón nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả quýt. Để duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như giá trị của cây quýt, trong những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng cây giống; dành một phần kinh phí (200-300 triệu đồng/năm) để đầu tư nâng cao chất lượng quýt theo hướng sản xuất VietGAP; tăng cường quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ… giúp người dân yên tâm sản xuất.
0 nhận xét: