Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Cần quan tâm phục tráng cây Lê Lạng Sơn

Quả lê là một trong những loại quả đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn, tuy nhiên, những năm gần đây, chất lượng quả ngày càng đi xuống, cùng đó, diện tích trồng bị thu hẹp.
Đặc sản Lạng Sơn, Trái cây Lạng Sơn, Trái cây Tây Bắc, trái cây ôn đới, lê bản địa, Mắc cọp, lê vàng, lê Hòa Cư, lê Thạch Đạn, lê Thanh Lòa, lê Hải Yến, lê Lộc Bình, lê Hữu Lũng, lê Đình Lập, lê Lạng Sơn, lê xứ Lạng, trồng lê
Người dân xã Thạch Đạn thu hoạch quả lê.
Hiện đang là chính vụ thu hoạch quả lê, thế nhưng khắp các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng như huyện Cao Lộc, loại quả này ít thấy xuất hiện. Nếu có thì cũng chỉ một vài hàng bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Không còn những quả lê to, đẹp, nổi bật với màu vàng cánh gián đặc trưng mà thay vào đó là những sọt lê quả nhỏ, méo mó, bên trong bị sâu, hỏng nhiều. Chính vì vậy, loại quả này không còn được nhiều người ưa chuộng.

Có mặt tại các xã: Thạch Đạn, Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, chúng tôi thấy hầu hết vườn lê đều xơ xác, trên cành lác đác vài quả, nhiều gốc lê bị chặt bỏ hoặc bán cả vườn cho thương lái. Chị Phương Thị Cảnh, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, nhà tôi có vài chục gốc nhưng càng ngày, cây lê bị thoái hóa, giá bán thấp nên có thương lái đến mua nhà tôi chặt bán cả vườn chỉ để lại vài cây phục vụ gia đình. Không riêng gia đình chị Cảnh, hều hết các hộ trồng lê trên địa bàn các xã: Hòa Cư, Thạch Đạn, Thanh Lòa, Hải Yến… đều không còn mặn mà với loại cây đặc sản này. Cây lê không được bón phân, tỉa cành cũng như phòng trừ sâu bệnh mà phó mặc cho đất.

Ông Triệu Quang Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lòa cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã, cây lê được nhiều hộ trồng, do thường xuyên chăm sóc nên quả lê to, đều, đẹp quả ngọt, thơm đặc trưng. Tuy nhiên những năm gần đây, loại quả này không được ưa chuộng, giá bán tại vườn chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Chính vì vậy, các hộ cứ để quả rụng chứ không mang ra chợ bán vì không đủ chi phí xăng xe đi lại. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn trên 1 ha lê do bà con trồng để ăn chứ không trồng cây mới.
Đặc sản Lạng Sơn, Trái cây Lạng Sơn, Trái cây Tây Bắc, trái cây ôn đới, lê bản địa, Mắc cọp, lê vàng, lê Hòa Cư, lê Thạch Đạn, lê Thanh Lòa, lê Hải Yến, lê Lộc Bình, lê Hữu Lũng, lê Đình Lập, lê Lạng Sơn, lê xứ Lạng, trồng lê
Không còn những quả lê to, đẹp, nổi bật với màu vàng cánh gián đặc trưng.
Tình trạng vườn lê bị thoái hóa diễn ra ở hầu hết các xã trồng loại cây này. Nguyên nhân một phần do người dân tự nhân giống, các giống cây được trồng đi trồng lại nhiều lần dẫn đến tình trạng lai tạp, mất dần đặc điểm ưu tú vốn có của cây bố mẹ. Cùng với đó, người trồng không quan tâm chăm sóc, qua nhiều năm, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng quả bắt đầu giảm. Giá bán thấp cũng là nguyên nhân khiến người dân không trồng mới.

Đặc biệt khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, hoa lê được người dân các sau tỉnh, thành miền xuôi như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… ưa chuộng; sau Tết Nguyên đán, thương lái thường tìm đến các hộ trồng lê thu mua cành với giá 30 – 40 triệu đồng/vườn. Do nguồn lợi thu về từ cây trồng này không cao nên nhiều hộ chặt bán cả vườn để chuyển sang các cây trồng khác. Vì vậy, diện tích cây lê ngày càng bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Toàn huyện hiện có gần 8 ha cây lê, phân bố rải rác tại các xã: Hòa Cư, Phú Xá, Lộc Yên, Thanh Lòa, Thạch Đạn… Thời gian này, huyện Cao Lộc đang tập trung phục tráng cây hồng không hạt Bảo Lâm, vì vậy, nguồn kinh phí cũng như sự quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc cây lê còn hạn chế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với huyện quan tâm, phục tráng cây trồng này.

Để cây lê cho quả nếu trồng bằng cành chiết thì mất khoảng 3 – 5 năm, những năm sau, nếu muốn cây ra quả đều đẹp thì cần có sự chăm sóc như: bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh… Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền, các ban, ngành chuyên môn của huyện, tỉnh cần có sự quan tâm đúng mức. Phục tráng, phát triển cây lê không chỉ giữ cho tỉnh Lạng Sơn một loại đặc sản mà còn giúp người trồng lê có thêm thu nhập, cũng là thực hiện chủ trương mỗi địa phương một sản phẩm.

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: