Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh Tiền Giang trong buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Phạm Anh Tuấn cho hay, mặc dù hoạt động KH&CN tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách, việc đầu tư cho KH&CN còn quá thấp. Đặc biệt, đang thiếu sự thống nhất giữa hoạt động động KH&CN và hoạt động kinh tế.
Tiền Giang “đặt hàng” Bộ KH&CN tạo giống sầu riêng năng suất cao.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức triển khai 101 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nghiệm thu đưa vào ứng dụng 51 nhiệm vụ KH&CN, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, thủy sản, phát triển công nghiệp, văn hóa-xã hội.
Tuy nhiên, kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh còn hạn chế nên các nhiệm vụ KH&CN còn mang tính riêng lẻ, chưa thực hiện đồng bộ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, đời sống, việc tập trung đầu tư xây dựng chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực của Tiền Giang còn nhiều hạn chế…
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 9.200 hecta trồng sầu riêng, đứng đầu vùng ĐBSCL.
Vì thế, Tiền Giang kiến nghị và đề xuất Bộ KH&CN sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến định mức, cơ chế hỗ trợ cụ thể địa phương áp dụng thực hiện; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ địa phương tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0…
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất “đặt hàng” nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với Bộ KH&CN như: nghiên cứu chọn tạo giống sầu riêng có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho các tỉnh phía Nam; nghiên cứu xây dựng hệ thống về chỉ dẫn địa lý để áp dụng, duy trì và phát triển bền vững cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao (thanh long, sầu riêng, xoài…).
Tam Bình được mệnh danh là “Vương quốc” sầu riêng của tỉnh Tiền Giang.
Đại diện Bộ KH&CN cho rằng, hoạt động này cần phải thực hiện liên ngành, quyết liệt và đồng bộ, đồng thời tận dụng và phát huy được thành tựu của từng địa phương, cũng như sản phẩm chủ lực của địa phương. Để làm được điều đó, thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất, trong đó đáng chú ý là ưu tiên lĩnh vực sản xuất nông thủy sản, thực phẩm, dược phẩm…
0 nhận xét: