Nhãn lồng Khoái Châu phải hơn 2 tuần nữa mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng hiện tại các chợ trên địa bàn huyện đã tràn ngập loại đặc sản này. Hầu hết đó là nhãn Sơn La, Thái Lan, trà trộn nhưng đều được gắn mác “nhãn lồng Hưng Yên”.
Tại chợ đầu mối xã Đông Tảo, mỗi ngày hàng chục ôtô tải cỡ lớn, chất đầy nhãn, đổ buôn cho các mối lẻ. Anh Đào Đức Tuấn – Trưởng ban Quản lý chợ Đông Tảo cho biết, bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng, lượng xe về rất đông. Mỗi ngày nhãn Sơn La chở về đây khoảng 80 đến - 100 tấn.
Chị Bùi Thị Lan, một đầu mối chuyên đổ sỉ nhãn tại chợ cho biết bình thường người mua sẽ không phát hiện được giữa nhãn Sơn La và nhãn quê vì mẫu mã của 2 loại rất giống nhau, chỉ những người buôn mới biết được. Tuy nhiên, loại nhãn này được rất nhiều người mua bởi chúng có cùng kích cỡ với nhãn lồng Hưng Yên. Giá tại chợ đầu mối chỉ 12 - 15 nghìn đồng/1kg. Các mối bán lẻ thích lấy loại nhãn này để quảng cáo là “nhãn lồng Hưng Yên”.
Bà Mai Thị Chiến - Tiểu thương chợ Đông Tảo nói: "Nhãn Sơn La mã rất sáng, quả đều vỏ mỏng, cành đều nhưng vị ngọt không đậm. Còn nhãn lồng thì mã không sáng bằng, cành cứng, quả không đều nhưng khi được nước thì ăn rất ngọt. Người nào ăn quen mới phân biệt được."
Thời điểm nhãn Khoái Châu thu hoạch rộ từ 20/8 đến cuối tháng 9. Thế nên, tại các chợ đầu mối Khoái Châu, nhãn bán không phải nhãn lồng Hưng Yên. Hiện tại các tiểu thương vào vườn mua ép giá nhãn xuống còn 7 - 10 nghìn đồng / 1kg.
Một điều nữa khiến người trồng nhãn lồng Hưng Yên thấy “buồn” là ở khắp nơi đều mạo danh nhãn lồng Hưng Yên, khiến cho loại đặc sản này nhiều năm trở lại đây cũng mất tiếng phần nào. Nhãn lồng trồng ở những vùng đất khác chất lượng không thể bằng trồng trên đất Hưng Yên, nhưng người tiêu dùng thì không thể phân biệt khi người bán cứ lập lờ rồi bán giá cao. Trong khi, người dân trồng nhãn lồng Hưng Yên chính gốc vừa bị đánh cắp thương hiệu, mà thực chất lại bán mất giá.
0 nhận xét: