Năm 2012, người dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) bắt đầu trồng cây cam Vinh trên vùng đất dốc, thay thế cho cây ngô, cây bưởi lâu năm đã cằn cỗi, giảm năng suất, chất lượng.
|
Nhân dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) chăm sóc cây cam Vinh. |
Về bản Liên Hưng lần này, chúng tôi thấy có nhiều đổi mới, đó là con đường bê-tông rộng rãi, phẳng phiu; nhiều ngôi nhà mới được xây dựng; những vườn cây ăn quả được quy hoạch quy củ, với đủ loại cam, bưởi, mận... nhưng theo Trưởng bản Nguyễn Văn Thủ thì cam Vinh mới là loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế khá nhất. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi tới mấy hộ trồng cam Vinh trong bản, vừa đi ông vừa kể qua phương tiện thông tin đại chúng và những chuyến tham quan thực tế những vùng đã trồng cây cam Vinh, một số hộ nông dân bản Liên Hưng quyết định đốn bỏ gốc bưởi để cải tạo, ghép giống cam Vinh.
Từ 5 hộ trồng ban đầu, đến nay cả bản có 20 hộ trồng giống cam này, nâng diện tích lên 20 ha. Vừa làm, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, cây cam Vinh đã phát triển rất tốt trên đồi đất bản Liên Hưng, cho sản phẩm quả có sản lượng, chất lượng vượt khỏi sự kỳ vọng của người dân. Hóa ra, giống cam Vinh khá phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao, quả ngọt, ít hạt, lại mọng nước...
Đến nhà ông Nguyễn Văn Hùng, một trong những hộ tiên phong đưa cây cam Vinh về trồng ở bản, ông Hùng bảo: Tôi đã biết đến hiệu quả của cây cam Vinh từ lâu, sau thời gian lên lập nghiệp tại xã Tô Múa, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng này khá phù hợp với cây cam Vinh, có thể phát triển tốt tại địa phương, nên đã quyết định chuyển diện tích đất trồng ngô, trồng bưởi sang trồng cam. Những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, tôi áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Vườn cây rộng hơn 2 ha, tôi trồng trên 1.200 cây cam Vinh, vụ năm ngoái thu hoạch hơn 25 tấn quả, sau trừ chi phí vẫn lãi hơn 200 triệu đồng.
|
Nông dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cam Vinh. |
Theo ông Hùng, những cây bưởi đã già, sâu bệnh nhiều, khả năng cho quả thấp, cũng không nên chặt bỏ mà nên tận dụng làm gốc ghép để ghép cải tạo bằng các giống cây có múi thị trường đang có nhu cầu như cam đường canh, cam Vinh; thời điểm ghép tốt nhất là tháng 9, tháng 10, khi các chồi bưởi đã đủ điều kiện ghép, tiến hành ghép cải tạo cho mỗi chồi bưởi một mắt ghép giống cam Vinh, với cách ghép cải tạo này chỉ sang năm thứ 2 cây đã bắt đầu cho quả bói (nếu trồng lại phải mất ít nhất 3 năm mới cho quả bói), từ năm thứ 3 trở đi sản lượng sẽ tăng dần. Khi chăm sóc chỉ nên bón phân hữu cơ, chia làm nhiều đợt, đặc biệt cần tăng lượng phân vào thời kỳ cây nuôi quả. Đồng thời, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây cam theo định kỳ, thường xuyên tưới đủ nước giữ ẩm cho cây.
Không chỉ ông Hùng, hộ ông Nguyễn Văn Đạt cũng là hộ trồng cam với quy mô lớn. Năm 2012, nhà ông trồng hơn 2.000 gốc cam trên 3 ha. Do đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cam nhà ông phát triển tốt, ngay vụ đầu tiên đã thu về trên 100 triệu đồng. Bây giờ, ông Đạt tiếp tục phát triển vườn cam với 3.000 gốc. Cùng với đó, ông kinh doanh giống cam chất lượng cho các hộ trong bản có nhu cầu, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Cây cam Vinh trên đất bản Liên Hưng mới cho thu hoạch được 3 năm nay nhưng bước đầu đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng. Việc tiêu thụ cam trong thời gian qua tương đối thuận lợi, nhiều tiểu thương trong và ngoài huyện đã liên hệ thu mua để bán tại các chợ, cửa hàng hoa quả sạch. Năm 2016, sản lượng cam vụ đầu tiên của bản khoảng 45 tấn, với giá bán ổn định 15-20 nghìn đồng/kg.
|
Triển vọng của cây cam Vinh trên đất Liên Hưng đang rất khả quan. |
Qua đánh giá của nhiều hộ dân, giống cam Vinh dễ trồng, đầu tư chi phí thấp nhưng thu nhập lại cao gấp 2-3 lần so với cây bưởi trước đây. Triển vọng của cây cam Vinh trên đất Liên Hưng đang rất khả quan, cho thấy rõ sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
0 nhận xét: