Từ vườn bơ giống cũ trồng xen trong vườn cà phê, ông Trần Văn Mùi đã cải tạo lại thành vườn bơ cao sản với những giống bơ có chất lượng cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà vẫn giữ được môi trường sinh trưởng của cây cà phê.
Nông dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà nói về vườn bơ của ông Trần Văn Mùi, thôn Thanh Trì với lời khen ngợi bởi khi mùa bơ chính vụ đã vãn thì vườn bơ nhà ông Mùi lại đang đúng độ sai trái. Với vườn bơ này, trung bình mỗi vụ ông Mùi thu về 300 triệu đồng nhưng mức đầu tư rất thấp. Theo lời ông Mùi, ông đã cải tạo vườn bơ theo cách thức “bình cũ, rượu mới”.
Là người dân vào xây dựng kinh tế mới, như hầu hết bà con trong khu vực, ông Mùi cũng trồng cà phê. Năm 2008, nhận thấy cây bơ được thị trường ưa chuộng, ông trồng 500 cây bơ xen giữa diện tích 2 ha cà phê của gia đình. Tuy nhiên, năm 2015, ông đã nhanh chóng cải tạo cây bơ giống cũ bằng những giống bơ mới chất lượng cao. Trên thân bơ cũ, ông cắt hết cành và ghép bằng chồi bơ cao cấp như bơ booth, bơ 034. Chỉ sau vài năm, vườn bơ đã cho thu hoạch lứa bơ cao sản đầu tiên và năm 2018 này, với 300 cây đang cho trái, ông thu hoạch hàng chục tấn bơ. Chỉ vào một cây bơ booth, ông Mùi giới thiệu dù mới ghép vài năm nhưng có cây bơ đã đạt tới 3 tạ trái, mức sản lượng 1 tạ/cây là rất dễ đạt. Ông Mùi cho biết: “Ghép chồi cao sản trên gốc bơ cũ rất có lợi vì có sẵn gốc khỏe mạnh, chồi mới chỉ cần thời gian ngắn để phát triển. Nếu trồng bơ từ cây con cần 3-4 năm để có trái thì ghép cải tạo chỉ cần chưa đến 2 năm, cây khỏe, trái sai, dễ chăm sóc. Tôi gọi đây là cách thức sản xuất dựa vào “bình cũ, rượu mới” - gốc cũ nhưng cây mới vẫn cho trái ngon, đẹp, thị trường rất thích”.
Không chỉ ghép giống khá phổ biến như booth, 034, ông Trần Văn Mùi còn ghép thêm những giống bơ mới, chưa phổ biến trên thị trường như Pinkerton, Hass, Gem.
Mục tiêu của ông là trồng những giống bơ ngon, lệch vụ để có trái quanh năm cung cấp cho thị trường. Do bơ thường dồn vào chính vụ nên giá giảm, bơ lệch vụ giá rất cao vì thị trường khan hiếm nên với những giống bơ mới lệch vụ, giá bán sẽ đảm bảo tốt cho người nông dân, thị trường cũng có hàng để người tiêu dùng sử dụng. Ông Mùi tính nhẩm, với giá trung bình 35 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, một cây bơ cao sản thu được 1 triệu đồng/vụ, việc thu hoạch lại rất nhàn, không cần nhiều công.
Để đảm bảo vườn bơ đạt chất lượng cao, ông Trần Văn Mùi chia sẻ kỹ thuật canh tác cần rất được chú ý. Ông phân tích, dù là cây lâu năm nhưng chăm bơ cũng phải đúng quy trình kỹ thuật. Với vườn xen bơ, cà phê của gia đình, ông Mùi bỏ tới 6 đợt phân/năm theo kỹ thuật chia nhỏ lượng phân bón, đảm bảo cây hấp thụ đủ, không thừa gây lãng phí và hư hại đất. Ông có sổ ghi chép lịch bỏ phân, sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo việc chăm sóc theo đúng quy trình. Đặc biệt cây bơ và cây cà phê đều ưa phân chuồng, giúp cây hấp thụ từ từ và đất đạt độ mùn cần thiết.
Tầng trên là tán bơ, tầng dưới cây cà phê nên vườn rợp bóng cây, cỏ ít mọc nên cũng giảm công làm cỏ. Chăm tốt, 1 ha cà phê của ông Mùi cũng thu được 4-5 tấn nhân/ha, sản lượng khá cao do vườn đã tái canh các giống cao sản như xanh lùn, TS. Ông Mùi chia sẻ, nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng cần tính tới thị trường, cần tính toán giá cả, không nên chạy theo người khác mà phải dựa trên điều kiện thực tiễn của mình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, ông Trần Văn Thọ đánh giá: Vườn bơ xen canh của ông Mùi là mô hình để nhiều nông dân trong xã cải tạo vườn cà phê, chọn các cây trồng xen vào giúp tăng năng suất, tăng thu nhập cũng như bảo vệ môi trường bền vững.
0 nhận xét: