Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1447 “Về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ tại huyện Lập Thạch”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Lập Thạch tiếp tục mở rộng, nâng tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 300ha.
Gia đình bà Đỗ Thị Kim, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục trồng 3.000 trụ thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch cho biết: Cây thanh long ruột đỏ được trồng trên địa bàn huyện Lập Thạch từ năm 2008, bắt đầu từ xã Vân Trục. Do phù hợp với đất đồi núi nên sau một thời gian, cây thanh long ruột đỏ phát triển mạnh và cho năng suất cao.
Năm 2011, với sự tham mưu của UBND huyện, UBND tỉnh đã cho quy hoạch 100ha trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch tại 3 xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ. Các hộ dân tham gia trồng thanh long theo quy hoạch được hỗ trợ về giống, trụ bám và phân bón; được Phòng NN&PTNN huyện tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.
Trong 7 năm triển khai trồng thí điểm trên diện tích 100ha, cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt, đối với những trụ cây thanh long có 3 – 5 tuổi sẽ cho thu hoạch 8 – 10 lứa quả/năm; năng suất đạt 12 – 15 tấn/ha/năm. Trên thị trường, thanh long ruột đỏ dễ dàng tiêu thụ hơn so với các loại quả khác, giá cả ổn định. Do đó,cây thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập, lợi ích kinh tế cao, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm. Nhờ thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lập Thạch, năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục đồng ý chủ trương mở rộng phát triển cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Lập Thạch tiếp tục mở rộng trồng cây thanh long ruột đỏ theo 2 hướng là cải tạo 100ha trồng thanh long cũ và nhân rộng thêm 200ha, nâng tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ của Lập Thạch lên 300ha.
Thực hiện chủ trương đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất về hom giống, trồng dặm, trụ bám, phân bón và các chi phí vật liệu, máy thi công, thiết bị hệ thống tưới tiêu. Cụ thể mức hỗ trợ là: Đối với 200ha trồng mới, tỉnh hỗ trợ hơn 234 triệu đồng/ha trồng mới năm thứ nhất (hơn 42% tổng chi phí); hỗ trợ chăm sóc năm thứ 2 là hơn 21 triệu đồng/ha (khoảng 20% tổng chi phí).
Đối với việc cải tạo 100ha thanh long đã có, tỉnh hỗ trợ cải tạo năm thứ nhất là hơn 84 triệu đồng/ha (25,6% tổng chi phí); hỗ trợ chăm sóc diện tích cải tạo năm thứ 2 là hơn 29,6 triệu đồng/ha (hơn 27% tổng chi phí). Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ 50% máy xới đất cho các hộ sản xuất; hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP; hỗ trợ in ấn tem nhãn và hộp các tông đựng quả thanh long; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để ổn định về đầu ra của thanh long ruột đỏ.
Cùng với đó, UBND huyện Lập Thạch cũng hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ thông qua việc ký kết với một số doanh nghiệp như: HTX Bình Minh (Bình Xuyên), Siêu thị Coo.p Mark, Siêu thị Big C, Hội thanh long của huyện... để đưa thanh long vào bán tại các siêu thị và thị trường trong nước. Trong tháng 7 vừa qua, HTX Nông thôn mới Đại Phúc (Bình Xuyên) thu mua 13 tấn thanh long ruột đỏ của người dân xuất khẩu sang Hồng Kông và được thị trường nước bạn ưa chuộng, đánh giá cao. Hiện, UBND huyện Lập Thạch đang kết hợp với Cục Bảo vệ thực vật làm mã cốt vùng (Vùng sản xuất) và hoàn thành các thủ tục hành chính để kịp thời xuất khẩu số thanh long ruột đỏ trong tháng 9 sang Úc...
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Vân Trục trồng thanh long ruột đỏ, bà Đỗ Thị Kim, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục cho biết: “Gia đình tôi trồng thanh long ruột đỏ từ năm 10 năm trước, ban đầu chỉ trồng 70 trụ (khoảng 2 sào). Nhận thấy giá trị từ cây thanh long ruột đỏ cao hơn hẳn so với các cây trồng khác nên gia đình tôi từng bước mở rộng diện tích, đến nay, gia đình tôi có 3ha trồng thanh long ruột đỏ với gần 3.000 trụ; mỗi năm, cho thu hoạch hơn 1.000 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 500 – 600 triệu đồng, nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Từ tháng 7/2018, tôi áp dụng sản xuất thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP nhằm mục tiêu xuất khẩu. Trong thời gian tới, với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ kỹ thuật của phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch, tôi và các hộ dân khác sẽ cải tạo diện tích trồng thanh long cũ và thuê đất để mở rộng diện tích trồng thanh long mới…”.
0 nhận xét: