Với ưu điểm thời gian bảo quản lâu, mẫu mã đẹp phù hợp thổ nhưỡng và được thị trường ưa chuộng. Trong những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Xuân Hưng, Huyện Xuân Lộc đã mạnh dạn đưa giống cây thanh long ruột tím hồng trồng thử nghiệm, hiện mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả mở ra hướng đi mới cho nhiều nhà vườn tại địa phương.
Thanh long ruột tím hồng được trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Xuân Hưng, Xuân Lộc.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lê ngụ ở Ấp 4, xã Xuân Hưng là một trong những hộ hộ tiên phong của xã Xuân Hưng trồng cây thanh long ruột tím hồng. Chị Lê cho biết: Năm 2016 sau khi tham quan ở Long An tận mắt thấy hiệu quả từ cây thanh long ruột tím hồng chị Lê đã tìm hiểu rồi học hỏi kinh nghiệm và quyết định đưa giống cây thanh long ruột tím về trồng thử trên diện tích đất 4 sào đất của gia đình.
Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sau 1 năm vườn thanh long của gia đình đã có thu bói. Hiện nay vườn thanh long gia đình chị đã bước sang năm thứ hai bình quân mỗi trụ cho thu hoạch khoảng 10kg/trụ và cho thu hoạch nhiều đợt trong năm với giá bán từ 30 đến 50 ngàn đồng/kg mỗi sào trồng thanh long tím hồng gia đình chị có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Thanh long tím hồng trái to, mỏng vỏ, màu sắc lạ, tai to đẹp, vị ngọt, dai, năng suất đạt 30 - 40 tấn/ha.
Chị Nguyễn Thị Lê- Ấp 4, xã Xuân Hưng, Huyện Xuân Lộc cho biết: Thời điểm đó tím hồng dưới miền tây nó đắt và mình đi mình tham quan và thấy loại cây này hiệu quả nên mình mua về trồng. Giống này mình trồng dễ hơn các loại giống thanh long khác, ít sâu bệnh hơn. Giá cả thì do mình làm nếu mình làm đẹp cho trái đẹp thì bán giá cao.
Tương tự như chị Lê. Trên diện tích 1,2 ha này. Trước đây gia đình ông Mohadmad NorooDeen ngụ ở Ấp 4, xã Xuân Hưng canh tác cây lúa nhưng do hiệu quả kinh tế đem lại không đáng kể. Năm 2017, ông Mohadmad NorooDeen đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột tím hồng. Tuy mới trồng gần một năm nhưng cây phát triển rất xanh tốt, có tính kháng sâu bệnh tốt và ít bị sâu đục thân, cuốn lá như một số giống thanh long khác.
Thanh long ruột tím hồng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hơn so với thanh long ruột đỏ.
Ông Mohadmad NorooDeen- Ấp 4 xã Xuân Hưng, Huyện Xuân Lộc nói: Qua tham quan, những năm gần đây bà con trồng thanh long và tôi cũng bắt đầu học hỏi và trồng thanh long trên địa bàn xã thì cũng có nhiều người trồng thanh long ruột đỏ và các hộ dân trong Ấp thì trồng tím hồng thì tôi bắt đầu làm theo. Khi trồng thì tôi học hỏi anh em và qua quá trình trồng thì tôi thấy tím hồng này thì cái giống trồng khá dễ khâu chăm sóc sâu bệnh ít hơn so với thanh long ruột đỏ, Thời gian thu hoạch để trái cây tím hồng thì kéo dài hơn so với thanh long ruột đỏ. Mới trồng một năm có trái còn non nhưng tôi bỏ trái ra để dưỡng cây còn non quá.
Theo thống kê. Hiện nay trên địa bàn xã Xuân Hưng hiện có gần 500 ha diện tích cây thanh long. Trong đó có khoảng 10 ha thanh long ruột tím hồng tập trung chủ yếu tại Ấp 4. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất của Huyện Xuân Lộc.
Thanh long ruột tím hồng trồng tập trung chủ yếu tại Ấp 4, xã Xuân Hưng, Xuân Lộc.
Trong những năm qua sản xuất thanh long đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương nông dân trên địa bàn xã tích cực đẩy mạnh việc trồng và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời tích cực đầu tư, áp dụng qui trình sản xuất theo các tiêu chuẩn Gap để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Thanh Long.
Với hiệu quả bước đầu đem lại, thanh long ruột tím hồng đã và đang là loại cây ăn quả phù hợp, góp phần đa dạng sản phẩm cây thanh long tại địa phương.
Thanh Long tím hồng mang lại thu nhập chục triệu đồng.
0 nhận xét: