Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Duy Tiên mở rộng diện tích trồng cây ăn quả

Chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả, vườn tạp thành những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là hướng đi mà huyện Duy Tiên đã và đang thực hiện. Huyện đã hình thành được 3 vùng trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao như: bưởi Châu Giang, vùng cam Chuyên Ngoại và ổi Trác Văn.
Trái cây Hà Nam, Đặc sản Hà Nam, trái cây thành nam, bưởi Châu Giang, bưởi Duy Tiên, bưởi Hà Nam, cam Chuyên Ngoại, cam Duy Tiên, cam Hà Nam, ổi Trác Văn, ổi Duy Tiên, ổi Hà Nam
Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Văn Toản, xã Châu Giang (Duy Tiên).
Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng ruộng trũng của Sở NN & PTNT, năm 2001, Đảng ủy và chính quyền xã Châu Giang chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đến nhân dân và nhận được sự  hưởng ứng tích cực. Một số bà con đi đầu đã chuyển đổi hơn 10ha diện tích vùng đất cốt cao cấy lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi, nhãn. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Toản ở thôn Du Mi thuê 2 mẫu đất của xã, chuyển sang trồng bưởi Diễn và cam. Sau nhiều năm chuyển đổi thấy bưởi là cây trồng phù hợp với đồng đất của xã và có hiệu quả kinh tế cao, ông chuyển toàn bộ diện tích trồng cam sang trồng bưởi. Năm 2013, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3 mẫu trồng bưởi. 

Ông Toản cho biết: Cây bưởi có đặc điểm rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, lại tốn ít công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Thế nhưng muốn thành công, người dân cần phải nắm vững các yếu tố cần thiết như giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh, các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh và xử lý cho cây ra quả… 

Được biết, hiện nay, ngoài trồng bưởi, gia đình ông Toản còn chuyên cung cấp giống cây bưởi Diễn cho nhân dân trong và ngoài xã theo hình thức là ươm hạt, ghép mắt và chiết cành. Trung bình mỗi năm, từ bán bưởi và cây giống, gia đình ông Nguyễn Văn Toản có lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Tuấn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Châu Giang cho biết: Nhiều nông dân trong xã trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/ha/năm. Từ khoảng 10ha trồng cây ăn quả (năm 2001) đến nay, toàn xã có khoảng 46ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi Diễn và bưởi Thồ. Gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, Châu Giang đã đăng ký với huyện về sản phẩm bưởi của xã. 
Trái cây Hà Nam, Đặc sản Hà Nam, trái cây thành nam, bưởi Châu Giang, bưởi Duy Tiên, bưởi Hà Nam, cam Chuyên Ngoại, cam Duy Tiên, cam Hà Nam, ổi Trác Văn, ổi Duy Tiên, ổi Hà Nam
Nông dân xã Trác Văn (Duy Tiên) thu hoạch ổi Đài Loan.
Tuy nhiên, do các mô hình trồng cây ăn quả ở xã chưa được canh tác tập trung thành vùng sản xuất lớn nên xã đang tiến hành thảo luận lập vùng quy hoạch để mở rộng và phát triển hơn nữa diện tích cây bưởi. Xã mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện cho chuyển đổi nốt diện tích đất cốt cao canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. 

Tại xã Trác Văn, từ năm 2010, để khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, xã đã triển khai nhiều buổi tập huấn, đào tạo, hướng dẫn bà con chuyển đổi các vùng đất cốt cao canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Đến nay, toàn xã đã mở rộng được trên 34ha đất trồng cây ăn quả: ổi Đài Loan, cam, bưởi, nhãn Hương Chi, nhãn muộn Hà Tây. Trong đó, giống ổi nơi đây đã được nhiều người ưa chuộng và biết đến sản phẩm ổi lê Trác Văn. 

Không chỉ ở Trác Văn, Châu Giang, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, thời gian qua, Duy Tiên đã xây dựng phương án, lập quy hoạch trồng cây ăn quả và triển khai xuống các xã, thị trấn khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác khó khăn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi, ổi, cam, nhãn.

Thực tế cho thấy, trồng cây ăn quả đang là hướng đi phù hợp của huyện Duy Tiên. Những kết quả bước đầu trong việc mở rộng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả lâu năm của huyện đang có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu cây trồng và gia tăng về diện tích của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả của toàn huyện đạt trên 181 ha.

Trưởng phòng NN & PTNT huyện Duy Tiên Phạm Văn Thập cho biết: Song song với việc mở rộng, phát triển diện tích trồng cây ăn quả, huyện cũng đang hướng dẫn các xã dựa vào thế mạnh mỗi cây trồng để đăng ký thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó xây dựng kế hoạch, lập quy hoạch cụ thể để phát triển cây trồng gắn với vùng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với thị trường tiêu thụ nhằm tăng hiệu quả kinh tế của cây trồng.   

Chia sẻ

Sở hữu:

Cung cấp trái cây đặc sản Miền Tây với chất lượng hàng đầu. Cam kết không sử dụng thuốc thúc chín, chất bảo quản các loại trái cây.

0 nhận xét: