Những năm gần đây, cứ mỗi khi kết thúc vụ dưa hấu tết, nhiều hộ dân ở ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú lại tất bật xuống giống cây dưa lê, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Cây dưa lê có ưu điểm khỏe, chống chịu bệnh tốt, cho quả đều, bán được giá. Theo bà con, loại cây này dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng trái khá tốt nên được thương lái thu mua với giá cao. Gặp hộ anh Ong Tấn Thưởng, ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đang lúc tất bật thu hoạch dưa lê giao cho thương lái, anh cho biết: “Trên nền 3 công dưa hấu đã thu hoạch xong, gia đình tôi gieo trồng khoảng 2.400 dây lưa lê, mình tận dụng được màng phủ và chế độ dinh dưỡng có sẳn nên giảm được chi phí canh tác rất nhiều, thay vì bỏ đất trống để chờ đến vụ gieo trồng chính”.
Từ ngày xuống giống đến đợt thu hoạch dưa lê đầu tiên khoảng 45- 50 ngày (tuỳ theo thời tiết), mỗi công cho khoảng 500kg trái, có hộ chăm tốt, đúng kỹ thuật đạt hơn 700kg trái, thương lái đến tận ruộng bao tiêu giá 6.500đ/kg. Bình quân, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 2 triệu đồng mỗi công. “Từ đầu vụ thương lái đã đến đặt cọc và hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên bà con rất yên tâm. Dưa lê rất dễ trồng, ít sâu bệnh lại nhẹ công chăm sóc cũng như thu hoạch, tạo việc làm lúc nông nhàn và cho thêm nguồn thu nhập đáng kể trên cùng đơn vị diện tích…”, anh Thưởng cho biết thêm.
Đối với hộ anh Quách Văn Hoàng ở cùng ấp, những năm trước chủ yếu gieo trồng đậu bắp hoặc các loại rau cải, nhưng do mùa khô, thiếu nước tưới tiêu nên năng suất cũng khá bấp bênh. Năm nay, anh chuyển sang xuống giống 04 công dưa lê, qua bốn đợt thu hoạch được khoảng 02 tấn trái, dự kiến có thể hái trái vài đợt nữa mới kế thúc.
Anh Hoàng cho biết: “Nhìn chung dưa lê rất dễ canh tác, dù là lần đầu tiên trồng nhưng thấy năng suất cũng ổn, thương lái bao tiêu rất thoải mái, quy định 5 trái/kg là xếp vào dưa loại 1, nên hầu như tất cả trái đều đạt, đôi lúc còn không đủ dưa giao cho thương lái nữa…”
Trồng dưa lê trên nền dưa hấu, có thể tận dụng được những dòng dưa hấu của vụ trước, bà con tiết kiệm được công làm dòng, không cần cuốc, xới lại. Từ hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, chắc chắn bà con ấp Mỹ Lợi A sẽ duy trì và tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa lê, nhằm cải thiện vòng quay của đất và tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú cho biết: “Dưa lê có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất, nhiều vụ, đặc biệt là chịu hạn khá tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kỹ thuật trồng dưa lê để phát huy hết tiềm năng năng suất cây trồng và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Đây cũng là hướng đi mới nhằm từng bước thích ứng biến đổi khí hậu, hạn mặn như hiện nay”.
0 nhận xét: