Ngày trước, đến mùa trồi, quả rụng đầy dưới gốc, người dân địa phương chỉ việc lên đồi đi nhặt quả rụng về luộc để ăn. Nay trồi đã thành đặc sản, nhu cầu về quả trồi lớn, người đi săn lùng nhiều, nên “trồi già không kịp rụng”.
|
Cây trồi sau khoảng 5 năm phát triển thì mới bắt đầu ra hoa, thường vào khoảng tháng ba hằng năm. |
Trồi là cây thân gỗ lâu năm thích hợp với nhiều chất đất khác nhau, cao hàng chục mét có nhiều trên vườn đồi, rừng núi ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương… Cây trồi ra hoa vào mùa Xuân và chín quả lúc Thu về.
Quả trồi lớn như quả hồng, có hình dạng giống chiếc bát úp, da dù xì như quả na, khi quả non có màu xanh và già thì chuyển sang nâu thẫm. Bên trong quả có hạt lớn, nhân hạt hình trái tim, thơm ngon, béo bùi là một món ăn được nhiều người yêu thích.
Ngày trước, đến mùa trồi, quả rụng đầy dưới gốc, người dân địa phương chỉ việc lên đồi đi nhặt quả rụng về luộc để ăn. Nay trồi đã thành đặc sản, nhu cầu về quả trồi lớn, người đi săn lùng nhiều, nên “trồi già không kịp rụng”.
|
Trái trồi rừng lúc già có màu xám, hình bát úp, to cỡ quả trứng vịt, hạt nhỏ… |
Cứ đến mùa trồi là mọi người rủ nhau đi hái đồng loạt. Với những cây thấp thì dễ hái, còn cây cao thì phải trèo lên, dùng sào để chọc. Hái trồi cũng vất vả không thua hái trám. Những ngày trời mưa, thân cây khá trơn, trèo khó, người hái phải đứng dưới cây chọc ngược lên.
Quả trồi già trông như những hòn đá nâu xám, 1 kg khoảng 30 quả, nhìn qua, không ai nghĩ rằng nó là một món ăn ngon. Ăn quả trồi cũng lắm công phu, phải huy động đủ các dụng cụ như nồi, búa, thớt… Trồi sau khi hái về, đổ vào nồi luộc gần 1 tiếng đồng hồ dưới lửa to cho chín, để ráo rồi mới đem ra “xử lý”.
Do hạt trồi có lớp vỏ bọc khá dày, cứng như hạt trám, nên muốn ăn nhân bên trong phải đập vỡ hạt ra. Người địa phương thường dùng nhiều cách để làm vỡ hạt trồi, nhưng cách thông dụng nhất, an toàn nhất là dùng búa để đập. Kê hạt trồi lên đá hoặc thớt, dùng búa đập mạnh cho vỡ thành nhiều mảnh.
|
Nay trồi đã thành đặc sản, nhu cầu về quả trồi lớn, người đi săn lùng nhiều, nên “trồi già không kịp rụng”. |
Đập hạt trồi phải quen tay, nó mới “vỡ chuẩn”, không bị té, không bị nát. Khi hạt vỡ, mọi người mới dùng que tre, tăm tách nhân ra khỏi vỏ để thưởng thức. Món hạt trồi từ lâu đã gắn liền với chiếc búa, nên dân gian thường gọi vui là “món ăn có búa”
Nhân hạt trồi có vị béo bùi, thơm ngon đặc trưng nên hấp dẫn người ăn, ai ăn rồi thì nhớ mãi. Theo kinh nghiệm dân gian, quả trồi chín rụng dưới gốc, ngon hơn quả trồi được hái trên cây. Quả càng già thì vị béo bùi càng đậm.
Ở những địa phương có trồi, mỗi mùa quả rụng, trẻ em là những người khám phá trồi đầu tiên. Trước đây, các em nhỏ ở các xã miền núi Anh Sơn thường rủ nhau lên núi đi nhặt quả trồi về đổi sách vở để học tập.
|
Ăn hạt trồi nhất thiết phải dùng búa để đập. |
Hiện nay, quả trồi đang được người dân thu hái triệt để. Tại Anh Sơn, trồi có nhiều ở các xã Hoa Sơn, Tường Sơn, Phúc Sơn… Ở những nơi này đã hình thành nên đội ngũ những người chuyên đi hái quả trồi về bán. Từ một thứ quả để “ăn cho vui”, trồi trở thành đặc sản của vùng miền núi, một món hàng được dân buôn tích cực săn lùng.
Chị Trần Thị Duyên (26 tuổi) ở xã Đức Sơn – một người chuyên buôn hạt trồi cho biết, dịp này hàng ngày chị phải đánh xe đi khắp huyện Anh Sơn để sưu tầm hạt trồi, tuy nhiên trồi ngày càng hiếm vì người mua đông. Nhu cầu về hạt trồi lớn, trong khi nguồn cung có hạn, chủ yếu là khai thác trồi trong tự nhiên.
Hiện, trồi không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn mà còn được chuyển, gửi đi xa và nhập cho lái buôn bán sang Trung Quốc. Giá hạt trồi đang dao động từ 16 – 18.000 đồng/kg.
|
Nhân hạt trồi béo bùi, thơm ngon đặc trưng, rất hấp dẫn người ăn. |
Trồi rừng Anh Sơn từ lâu đã quen thuộc với người dân địa phương, nhưng còn mới lạ với rất nhiều người. Cùng với bánh gai, chè gay...“món ăn có búa” đã và đang là một trong những thứ quà hấp dẫn của người Anh Sơn xa quê.
0 nhận xét: