Từ lâu, hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng cả nước bởi hương vị thơm ngon, nhưng sản phẩm quý hiếm này chỉ để làm quà, chứ chưa bao giờ đủ bán trên thị trường. Chẳng thế mà các thương lái bán tràn lan hạt dẻ Trung Quốc, mạo danh là thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh. Vậy, bao giờ hạt dẻ Trùng Khánh trở thành hàng hóa vẫn là câu hỏi từ nhiều năm qua chưa có lời giải.
Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định hạt dẻ là cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa cần đẩy mạnh khai thác. HĐND huyện Trùng Khánh đã ra nghị quyết phấn đấu đến năm 2021, toàn huyện sẽ trồng thêm 73 ha gắn với quảng bá sản phẩm du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.
Trung tuần tháng 8 âm lịch đang kỳ thu hoạch hạt dẻ, chúng tôi chứng kiến gia đình anh Hoàng Văn Thuận ở xóm Khưa Khảo, xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh đang tất bật hoàn thành các khâu bóc vỏ, đóng gói hạt dẻ theo đơn đặt hàng. Hơn 100 cây hạt dẻ lâu năm, mỗi năm, gia đình anh Thuận thu hoạch khoảng 3 đến 5 tạ hạt tươi, nhưng chưa năm nào anh mang đi chợ bán, cứ đến mùa thu hoạch có khách đặt hàng, sau hơn 1 tháng là bán hết hạt dẻ. Giá thị trường là 1.000 đồng/hạt hoặc 100.000 đồng/kg, hàng năm thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, do chưa chăm sóc thỏa đáng nên năng suất đạt thấp, ước chỉ khoảng 4 tạ/ha, cộng với hạt chín không đồng đều nên bà con vẫn thu hoạch theo cách truyền thống là nhặt từng hạt dẻ. Do cách làm này manh mún này, có hộ trồng đến cả ha cũng không thể thu hoạch một lúc vài chục tạ, đó là nguyên nhân cứ đến mùa thu hoạch, bà con lại tất bật đóng gói một vài cân sản phẩm hạt dẻ phục vụ người tiêu dùng.
Đến nay, toàn huyện Trùng Khánh có hơn 220 ha cây hạt dẻ lâu năm cho thu hoạch, chủ yếu nằm ở các xã trọng điểm: Đình Minh, Chí Viễn, Khâm Thành, Phong Châu. Cả huyện Trùng Khánh, những hộ có đến 1 ha hạt dẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số hộ mang tiếng trồng hàng trăm cây hạt dẻ, nhưng sản lượng đạt thấp. Nguyên nhân là do không đầu tư, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh dẫn đến cây thái hóa, xuất hiện sâu đục thân. Không chỉ đơn thuần là thói quen tập quán canh tác cũ dẫn đến chưa đầu tư chăm sóc, mà giá cả không ổn định cũng là nguyên nhân khiến hạt dẻ Trùng Khánh chưa được người trồng dành nhiều sự quan tâm đầu tư.
Có năm được mùa mất giá, nhất là vài năm gần đây, món ăn đặc sản bản địa này bị hạt dẻ Trung Quốc lấn áp, có nguy cơ mất thương hiệu. Trên thực tế, việc bảo quản hạt dẻ Trùng Khánh chỉ kéo dài sau mùa thu hoạch hơn một tháng, từ tháng 8 đến tháng 9 (âm lịch). Trong khi tháng Chạp hằng năm, tại thành phố Hà Nội, hoặc chợ Xanh (Cao Bằng) vẫn bán tràn lan hạt dẻ mang danhTrùng Khánh.
Khoảng cuối thu đầu đông, quả dẻ chín rụng đầy mặt đất, mỗi quả chứa 3- 4 hạt. |
Một số doanh nghiệp đã thử nghiệm chế biến món ăn đặc sản này thành sản phẩm rượu hạt dẻ, mứt hạt dẻ, nhưng do chưa có phương pháp bảo quản lâu dài. Thông thường, sau khi thu hoạch bà con chỉ dự trữ theo kiểu truyền thống là để nơi khô ráo. Nếu sử dụng hóa chất bảo quản sẽ làm mất mùi vị, đó là nguyên nhân sâu xa khiến cho bấy lâu nay chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã nào đứng ra đầu tư, hợp đồng sản xuất với nông dân để thu mua sản phẩm.
Hơn nữa, từ năm 2001, tỉnh Cao Bằng đã từng phê duyệt dự án phát triển hạt dẻ với quy mô 2.500 ha tại các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên. Đây được xem là ý tưởng mới để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhưng do chưa có chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng, do nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn còn hạn chế dẫn đến dự án “treo”. Dù từ lâu đã có thương hiệu thơm ngon nổi tiếng, nhưng hạt dẻ Trùng Khánh chưa giờ có hàng vài tạ đến tấn để bán.
Sau khi được lựa chọn là cây trồng mũi nhọn có nguồn gốc bản địa, HĐND huyện Trùng Khánh đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển, phấn đấu đến năm 2021, toàn huyện sẽ trồng mới 73 ha cây hạt dẻ gắn với quảng bá du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Tại các xã vùng quy hoạch như Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Ngộc Côn, Ngọc Khê… đã giao chỉ tiêu trồng mới mỗi xã từ 15 - 30 ha với phương thức nhà nước hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ mọc, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Là vùng trọng điểm của hạt dẻ, xã Đình Minh hiện có 13 ha cây lâu năm, giai đoạn 2016 - 2021, xã sẽ giao chỉ tiêu cho mỗi xóm trồng mới 1 ha. Theo nhận định của ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Đình Minh, việc phát triển cây hạt dẻ gắn với quảng bá tuyến du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao sẽ được triển khai theo hướng quản lý, khuyến khích bà con tiêu thụ sản phẩm như thế nào thì chưa rõ, nhưng xã Đình Minh vẫn phải tận dụng đất và chuyển đổi cây lương thực sang trồng 22 ha hạt dẻ. Đó là chỉ tiêu huyện giao, trách nhiệm chính quyền xã sẽ tuyên truyền vận động nhân dân hoàn thành kế hoạch gieo trồng.
Trong năm 2017, cả huyện Trùng Khánh đã trồng mới 40 ha hạt dẻ tại các xã trọng điểm. Qua đánh của phòng chuyên môn, tỷ lệ đạt 90%, hiện đang phát triển tốt. Về lâu dài, phải đầu tư chế biến và bảo quản sâu là xu hướng tất yếu, song để phát triển cây dạt dẻ gắn với quảng bá du lịch cũng cần tính đến chất lượng và số lượng của sản phẩm, có chính sách khuyến khích phát triển hình thành vùng chuyên canh, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tiến tới làm giàu một cách bền vững từ cây trồng đặc sản của địa phương.
0 nhận xét: