Thời điểm này, quả táo mèo bắt đầu chín, và cho thu hoạch. Từ một loại cây mọc tự nhiên trong các cánh rừng trên đỉnh Pu Lon, xã vùng cao Tây Sơn, nay quả táo mèo đã mang lại một nguồn thu không nhỏ cho đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Kỳ Sơn.
Tây Sơn được biết là địa phương có cây táo mèo cổ thụ nhiều nhất Nghệ An.
Xã vùng cao Tây Sơn, được biết là địa phương có nhiều cây táo mèo cổ thụ mọc nhiều ở trong các cánh rừng tự nhiên. Vì táo mèo là cây ưa khí hậu lạnh, thường sống ở độ cao từ 1.300m trở lên, nên đỉnh Pu Lon là nơi rất phù hợp với loại cây này.
Quả táo mèo thường chín và rụng vào dịp cuối mùa thu. Bởi vậy, những ngày này, bà Gìa Y Đia, cũng như nhiều người dân khác trong bản Huồi Giảng 2, xã Tây Sơn, đang tích cực trèo lên đỉnh Pu Lon thu nhặt quả Táo Mèo về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Bà Y Đia cho biết: một ngày bà có thể nhặt được từ 15 đến 20 kg quả táo mèo, với giá bán từ 10 đến 15 ngàn đồng/1kg, mỗi ngày bà kiếm được từ 150 đến 200 ngàn đồng. Đây là một nguồn thu không hề nhỏ, đối với bà Y Đia, cũng như nhiều người dân khác trong bản Huồi Giảng 2.
Bà Gìa Y Đia, và nhiều người dân trên địa bàn xã Tây Sơn đang tranh thủ vào rừng thu hoạch táo mèo.
Là giống cây mọc trong các khu rừng tự nhiên, ít được chăm sóc, nên việc bảo vệ và thu hái quả táo khó kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số cây táo mèo trong tự nhiên ở xã Tây Sơn ngày càng giảm dần.
“Số cây ở trong rừng là của chung, cho nên sự quản lý cũng hạn chế, mùa này quả chín rụng rất nhiều, người dân cũng tranh thủ vào rừng để tranh hái quả, do quản lý không được, một số người dân là họ trèo lên cây họ tỉa cành, hoặc đốn hạ cả cây để bứt được nhiều quả, đưa về bán cho các thương lại. Vì ý thức kém của một bộ phận người dân mà hiện cây táo mèo trong rùng chỉ còn khoảng 100 cây thôi.” Ông Vừ Rả Tênh, phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn bày tỏ.
Để bảo tồn và phát triển thương hiệu giống cây thảo dược táo mèo này, năm 2015, Ban dân tộc tỉnh phối hợp với xã Tây Sơn, triển khai trồng thí điểm mô hình cây táo mèo, với 5 hộ dân tham gia trồng. Sau hơn 3 năm triển khai nay trên địa bàn xã vùng cao Tây Sơn đã có gần 50 hộ tham gia trồng, với trên diện tích hơn 5ha. Theo đánh giá của chính quyền địa phương và người dân xã Tây Sơn, hiện nay cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, một số cây đã bắt đầu cho quả.
Ông Vừ Xái Chù, bản Huồi Giảng 3, đang chăm sóc rừng táo mèo, và mong ngày hái quả.
"Trước kia, trong các cánh rừng tự nhiên trong xã ta cây táo mèo mọc rất nhiều, nó mọc thưa ở trên đỉnh núi cao. Nhưng khi đó người dân cũng không biết nó có giá trị kinh tế, cho nên người ta không có ý thức bảo vệ. Nhưng sau khi thấy nhiều thương lái đến đặt mua nhiều, dân ta lại đi thu hái về bán. Vào tháng 9 năm 2015, Ban dân tộc tỉnh đã đưa giống cây táo này lên, và tôi đã đăng ký trồng, năm đó tôi trồng được 100 gốc, năm thứ 2 tôi tiếp tục trồng thêm 300 gốc, năm 2017 tôi lại trồng thêm, nay tôi có gần 1.000 gốc cây táo mèo. Hiện nay các cây mọc rất tốt, rất khỏe, cây này nó xanh tươi cả năm, không cần bón phân, và rất phù hợp với khí hậu của xã Tây Sơn” - ông Vừ Xái Chù, bản Huồi Giảng 3, một trong nhũng hộ đầu tiên tham gia mô hình trồng táo mèo tại xã Tây Sơn, chia sẻ.
Những ngày này, hai bên đường quốc lộ 7 ở Thị trấn Mường Xén, trung tâm huyện vùng cao Kỳ Sơn, người dân vùng cao Kỳ Sơn đang bày bán quả táo mèo, một loại thảo dược quý chỉ có ở các xã vùng cao nhiệt độ thấp.
Quả táo mèo thường chín và rụng vào dịp cuối mùa thu.
Nếu được bảo vệ, chăm sóc và phát triển bền vững, giống cây rừng tự nhiên này sẽ góp phần giúp bà con dân tộc vùng cao nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết đến.
0 nhận xét: