Thời gian qua, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích bưởi Luận Văn (hay còn gọi bưởi tiến vua), mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong xã.
Cây bưởi đỏ tiến vua trĩu quả ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, Thọ Xuân , Thanh Hóa. |
Là giống bưởi quý, nhưng có thời gian bưởi Luận Văn bị phá bỏ để dành đất canh tác các loại hoa màu khác có giá trị hơn. Năm 2013, để bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn, được sự hỗ trợ của các ngành có liên quan, xã Thọ Xương đã tuyên truyền, vận động một số hộ nông dân có kinh nghiệm tham gia dự án bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học – kỹ thuật và tạo điều kiện về đất đai.
Bưởi đỏ Luận Văn có những đặc tính rất khác so với các loại bưởi thông thường, khi nhỏ, bưởi cũng có màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, bưởi Luận Văn sẽ chuyển sang màu vàng.
Đặc biệt, vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Không chỉ có màu sắc quyến rũ, mà khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon và có vị thơm đặc trưng.
Quý giá là vậy, nhưng theo người dân ở đây chia sẻ, bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bởi thế, trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại Thanh Hóa, ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh thành khác.
Đến nay đã có 5ha bưởi được trồng ở các làng Luận Văn, Thủ Trinh, Dụng Hòa cho thu hoạch. Xã Thọ Xương tiếp tục mở rộng thêm 3ha bưởi Luận Văn ở vườn cây các cụ, tại vườn cây này, các hộ tham gia được hỗ trợ giống, hệ thống tưới tiêu và đường giao thông. Hiện nay, toàn xã có hơn 25ha bưởi Luận Văn. Bưởi Luận Văn đã được huyện Thọ Xuân tổ chức giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý và làm tem nhãn để truy xuất nguồn gốc.
0 nhận xét: