Nói đến cây ăn quả của huyện Ngân Sơn phải kể đến các loại cây lê, đào…Do khí hậu thổ nhưỡng của huyện rất thích hợp cho cây lê phát triển nên quả lê to, tròn, có vị ngọt đặc trưng. Những năm gần đây, cây lê đã đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương.
Năm nay lê ở Ngân Sơn được mùa được giá, chất lượng quả đảm bảo.
Tại thôn Cốc Lùng, xã Vân Tùng, gia đình ông Cương Văn Lỉm đã trồng lê từ những năm 1994, theo ông Lỉm, cây lê trồng khoảng 5-6 năm là cho quả, hiện nay hàng chục cây lê của gia đình đang cho thu hoạch, mỗi cây khoảng 4-5 tạ quả, giá bán hiện dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cũng theo ông Lỉm, để chọn, phân biệt lê bản địa, chỉ cần cạo nhẹ lớp vỏ ngoài, lớp vỏ của lê bản địa sẽ có mầu xanh nhạt, khi ăn có chút vị chát trong miệng và có vị ngọt đặc trưng.
Chị Lâm Thị Hưởng cùng thôn chia sẻ: Gia đình có gần 500 cây lê, trong đó gần 100 cây trồng từ năm 1997 đang cho thu hoạch. Năm nay, quả lê tròn và to đều, mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngọt và có vị chát đặc trưng của lê bản địa. Vào vụ thu hoạch, tư thương vào tận vườn để thu mua, số ít còn lại gia đình đem bán ven đường Q.L3 cũng khá thuận lợi. Hiện, mỗi cây lê cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng, bằng nguồn thu của 1.000m2 trồng ngô, lúa.
Lê Ngân Sơn được bán ngay ven Q.L3, đoạn đi qua xã Vân Tùng.
Thuận lợi về giao thông, người dân các xã Vân Tùng, Đức Vân... tiêu thụ lê dễ dàng và được giá hơn, qua đó giúp các hộ yên tâm mở rộng diện tích.
Đồng chí Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Hiện nay, hai xã Đức Vân và Vân Tùng có diện tích trồng lê nhiều nhất huyện, với hàng chục héc-ta. Phòng đã tham mưu cho huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp lập dự án, lựa chọn cây đầu dòng để nhân giống. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng cây lê bản địa. Qua đánh giá, cây lê nếu chăm sóc tốt có thể cho thu nhập từ vài triệu đến chục triệu đồng/cây mỗi vụ, đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương.
0 nhận xét: