Trong tình hình sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh được mùa – rớt giá, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Duy Sáu - xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ khá thành công trên vùng đất pha cát của huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Ông đã trồng thành công cây quýt đường cho trái sum suê, trĩu quả. Hàng năm, trang trại mang lại cho gia đình ông lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng.
Trồng quýt đường mang lại lợi nhuận cao cho ông ông Nguyễn Duy Sáu - xã Sông Ray, Cẩm Mỹ.
Ông Nguyễn Duy Sáu vốn là chủ cửa hàng buôn bán các sản phẩm vật tư nông nghiệp cho các hộ trồng cây quýt đường ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau khi học hỏi kinh nghiệm của bà con ở đây, ông quyết định trồng 2 hecta quýt trên vùng đất cát pha của gia đình.
Với ưu điểm độ mát cao, xốp, thoáng khí nhưng loại đất này rất háo nước nên phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cây mới phát triển tốt. Ông quyết định trồng cỏ để tránh ánh nắng trực tiếp, tạo độ mát, tăng độ ẩm trong đất và giảm nhiệt độ trong vườn. Đồng thời sử dụng hệ thống tưới phun sương để tưới liên tục và tiết kiệm nguồn nước. Nhờ vậy, vườn quýt của gia đình phát triển rất tốt, hàng năm cho ông thu hoạch gần 100 tấn trái. Với giá bán dao động từ 20-25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 1,5 tỷ đồng.
Trồng quýt trên vùng đất cát pha phải bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cây mới phát triển tốt.
Hiện nay, gia đình ông Sáu đang chuyển dần sang trồng quýt theo hướng VietGAP để tìm kiếm đầu ra ổn định hơn, thay vì bán trôi nổi cho các thương lái. Mặc dù trồng cây quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định nhưng để loại cây trồng này phát triển bền vững, địa phương cũng đang khuyến khích các hộ dân trồng theo hướng sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt, nhất là ở những vùng đất không thích hợp nhằm tránh tình trạng trồng rồi lại chặt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu tiền tỷ từ cây quýt trên vùng đất cát pha Cẩm Mỹ.
0 nhận xét: