Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, Đảng ủy xã Nam Sơn (Tân Lạc) đã ban hành Nghị quyết số 22 về phát triển cây quýt giai đoạn 2014 - 2020 nhằm nhân rộng và phát triển cây quýt trên địa bàn toàn xã. Nghị quyết đi vào cuộc sống đã giúp người dân nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cây quýt hiện là một trong những cây trồng cho thu nhập chính của người dân trên địa bàn xã Nam Sơn.
Đến nay, diện tích trồng quýt trên địa bàn xã lên tới 82 ha, tập trung ở xóm Bưng 20 ha, xóm Xôm 15 ha, xóm Tớn 15 ha, xóm Dồ và xóm Bái 10 ha, gồm các giống quýt dẹt bánh xe, quýt ngọt, quýt chua ngọt, quýt cổ. Trong đó có 20 ha đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 20 tấn/ha, giá trị đạt 400 triệu đồng/ha.
Theo các nhà vườn cho biết, quýt là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Bà con chủ yếu bón phân hữu cơ, tưới nước sạch cho cây, sau 4 năm cho thu quả. Quả tròn, vỏ mỏng, màu vàng óng, ngọt, mọng nước, khi ăn có vị thanh mát và mùi thơm đặc trưng được thị trường đón nhận. Nếu chăm sóc tốt, một cây quýt có thể cho thu 60 đến 1 tạ quả/cây, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg.
Cứ vào 2 tháng cuối năm là bà con nông dân vùng cao Nam Sơn lại bước vào mùa quýt chín.
Do đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mới đây, quýt Nam Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể quýt Nam Sơn
Canh tác dựa vào thiên nhiên, nên quýt Nam Sơn là hoa quả sạch, được thị trường ưa chuộng.
Trong thời gian tới, xã Nam Sơn tiếp tục nhân rộng diện tích trồng quýt, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, duy trì, giữ gìn thương hiệu sản phẩm quýt của địa phương. Cùng với đó, xã có kế hoạch thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất quýt theo chuỗi để nâng cao chất lượng cũng như đầu ra cho sản phẩm.
0 nhận xét: