Từng là xã thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Bát Xát nhưng những năm gần đây, diện mạo nông thôn ở xã Nậm Chạc đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được cải thiện.
Sau 3 năm trở lại, ấn tượng đầu tiên của tôi về xã vùng cao biên giới Nậm Chạc là hạ tầng giao thông từ trung tâm xã đến các thôn đã được xây dựng kiên cố, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Trên những sườn đồi, phủ kín một màu xanh cây lá, nổi bật nhất là những đồi chuối mô đang ở độ thu hoạch.
Đến thôn Biên Hòa của xã vào những ngày cuối tháng 5, mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng người dân nơi đây vẫn không ngơi tay, tranh thủ thu hoạch chuối để kịp bán cho thương lái. Tôi dừng chân tại nhà của ông Chảo Kim Sơn. Năm nay, gia đình ông Sơn có hơn 2.000 gốc chuối đến kỳ thu hoạch. Hiện đang là thời điểm chuối bán được giá nên ông phải huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm người để thu bán.
Ông Sơn cho biết: “Năm nay chuối được mùa, được giá nên gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Cây chuối đã góp phần thay đổi không chỉ cuộc sống của gia đình tôi mà còn hàng trăm hộ trên địa bàn xã”.
Xã Nậm Chạc có khoảng 600 hộ thì hơn 90% hộ trồng cây chuối mô. Diện tích chuối mô của xã hiện hơn 462 ha, trong đó 210 ha đã đến kỳ thu hoạch. Với giá bán hiện khoảng 10 - 15 nghìn đồng/kg chuối xanh, ước tính doanh thu từ vụ chuối năm nay của xã khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Vũ Ba Duy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước tháng 6/2018, thu nhập bình quân đầu người của xã là gần 16 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi cây chuối cho thu hoạch, cùng với việc giá chuối ổn định đã giúp người dân tăng thu nhập, hiện khoảng 24 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Nậm Chạc cũng giảm nhanh. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn hơn 80%, tuy nhiên năm 2018, tỷ lệ này còn gần 34%, dự kiến trong năm nay sẽ xuống dưới 24%.
Người dân mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô trên đất trồng ngô. |
“Cây chuối mang lại giá trị kinh tế cao nhưng chỉ canh tác hiệu quả được khoảng 3 năm, sau đó đất sẽ bạc màu, năng suất thấp. Do đó, xã đã hướng dẫn người dân trồng xen những cây trồng khác như quế, keo, mỡ… Khi cây chuối tàn lụi, người dân sẽ chặt bỏ và diện tích cây trồng xen kẽ sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ cần một thời gian ngắn nữa là cho thu hoạch, giúp người dân có thu nhập ổn định” - ông Duy cho biết thêm.
Bên cạnh những cây trồng giá trị kinh tế cao, người dân Nậm Chạc còn duy trì diện tích trồng lúa hơn 300 ha, hơn 200 ha ngô, đủ cung cấp lương thực và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, trâu là gia súc có giá trị kinh tế cao, được người dân chăn nuôi với số lượng lớn (hơn 1.000 con). Chăn nuôi đại gia súc nói chung và trâu nói riêng đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.
Khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, người dân đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là làm đường giao thông. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Nậm Chạc đã chủ động, tích cực góp công sức, vật chất, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Dự kiến hết năm nay, tiêu chí giao thông của xã Nậm Chạc sẽ hoàn thành; không chỉ giúp dân đi lại thuận lợi mà còn giúp thương lái vào tận thôn thu mua chuối, ngô, qua đó nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản và giảm các loại chi phí cho người dân.
Việc tập trung nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề để Nậm Chạc sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và người dân, trong tương lai không xa, Nậm Chạc sẽ là một trong những xã nông thôn mới, là điểm sáng nơi vùng cao biên giới về phát triển kinh tế.
0 nhận xét: