Những gốc hồng cổ thụ đã 30 - 40 năm vẫn cứ miệt mài cho quả mỗi độ thu về mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nơi đây.
Mùa thu năm nay, người dân ở xã Bảo Hà (Bảo Yên) vui lắm, không chỉ bởi những cây hồng cho quả sai trĩu, mà sản phẩm hồng không hạt bấy lâu nay nức tiếng đất thiêng Bảo Hà, vùng ven sông Hồng, đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, đóng gói có tem nhãn, theo những chuyến hàng tỏa đi muôn nơi...
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Phạm Văn Diền, thôn Liên Hà 6, xã Bảo Hà đúng vụ thu hái hồng quả. Vừa trảy hồng từ trên cây xuống để ngâm, vợ chồng ông Diền phấn khởi cho biết, chỉ hơn 2 tuần gia đình ông đã thu hái và xuất bán ra thị trường 2,4 tấn hồng quả. Năm nay, được ngành Nông nghiệp hỗ trợ cải tạo vườn hồng, nên chất lượng quả vụ này đã nâng lên, không chỉ nhiều quả mà quả to đều và đẹp mã hơn, thị trường rất ưa chuộng. Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg hồng quả đã ngâm, những năm trước, mỗi năm vườn hồng nhà ông cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Nhưng, năm nay do hồng đẹp mã hơn, chất lượng đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận an toàn thực phẩm, nên được nhiều nơi biết đến, với giá 14.000 đồng/kg, hết vụ hồng gia đình sẽ thu được hơn 50 triệu đồng.
Từ đầu vụ đến nay, đã có nhiều đơn hàng đặt mua hồng quả của nhà ông Diền và các gia đình trong Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất để chuyển về Hà Nội, thành phố Lào Cai và các tỉnh lân cận. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất (xã Bảo Hà) cho biết: Hiện, xã Bảo Hà có khoảng trên 200 gốc hồng cổ thụ cho sản lượng quả ổn định mỗi năm khoảng 2,5 tạ quả/cây. Từ năm 2016, được Chương trình UN - REDD tỉnh Lào Cai hỗ trợ, người dân Bảo Hà đã tham gia mô hình trồng, cải tạo vườn hồng ăn quả. Ngoài cải tạo vườn hồng giống gốc, chương trình cũng đã hỗ trợ trồng mới 1ha cây hồng được nhân giống từ chính các cây hồng giống gốc tại địa phương. Bước đầu mô hình có 10 hộ nông dân của Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất (thôn Liên Hà 6) tham gia trồng, mở rộng diện tích để phát triển thành vùng hàng hóa sau này.
Thực hiện cải tạo chất lượng vườn hồng không hạt Bảo Hà, gia đình ông Khánh, ông Diền và các thành viên trong Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất đều đảm bảo kỹ thuật cắt tỉa, cải tạo và nhân giống từ những cây hồng giống gốc trong vườn nhà. Thực tế, cây hồng Bảo Hà được trồng rải rác tại các thôn, mỗi nhà vài cây, nhà nhiều có từ chục cây trở lên. Giờ đây, khi mô hình triển khai tại xã, càng tiếp thêm động lực để người dân Bảo Hà mở rộng trồng giống cây ăn quả đặc sản của địa phương, phát huy thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên đều mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân xây dựng và bảo tồn nguồn gen giống hồng Bảo Hà loại cây đặc sản của vùng đất này.
Cây hồng Bảo Hà là giống cây ăn quả quý đã được người dân gây trồng từ nhiều năm, tập trung chủ yếu tại các xã: Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn (Bảo Yên). Việc nâng cao chất lượng sản phẩm hồng Bảo Hà và mở rộng diện tích xây dựng vùng hàng hóa đang được xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên tích cực chỉ đạo, đặc biệt tại thôn Liên Hà 6 theo mô hình của Chương trình UN - REDD tỉnh Lào Cai. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên cho biết: Hiện, hồng Bảo Hà đang trở thành sản phẩm nông sản có tiếng, được huyện Bảo Yên chỉ đạo người dân mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng và sản xuất đảm bảo quy trình VietGAP, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Huyện Bảo Yên đã đưa sản phẩm hồng Bảo Hà vào danh mục đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu hồng Bảo Hà. Trước mắt, huyện sẽ tạo điều kiện để Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất mở một quầy giới thiệu sản phẩm nông sản, trong đó có hồng Bảo Hà nhằm làm tốt công tác quảng bá sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Đặc biệt trong niên vụ hồng năm nay, ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đã hỗ trợ Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất (xã Bảo Hà) 13.000 tem nhãn, túi đựng sản phẩm hồng Bảo Hà nhằm quảng bá sản phẩm. Mô hình nằm trong gói giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân trồng cây ăn quả bản địa, nâng cao thu nhập, giảm nguy cơ tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình và quảng bá sản phẩm hồng Bảo Hà vào các dịp lễ, tết như Lễ hội Đền Bảo Hà (vào dịp 15/7 âm lịch hàng năm), làm cơ sở để liên kết giữa Hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hồng Bảo Hà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: Ngành nông nghiệp đang xúc tiến để làm các thủ tục xây dựng thương hiệu sản phẩm hồng quả Bảo Hà cũng như xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu hồng Bảo Hà. Trong tương lai, khi diện tích hồng trồng mới cho thu hoạch, cùng với diện tích hồng gốc sẵn có sẽ tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh cây ăn quả đặc sản gắn với bản sắc văn hóa. Bởi Bảo Hà có Đền ông Hoàng Bảy linh thiêng, nên sản vật của địa phương không chỉ có ý nghĩa khi du khách thập phương đến dâng hương lễ bái, mà còn trở thành sản phẩm quà tặng để du khách mua về làm quà.
Theo nhiều hộ dân xã Bảo Hà, tại Lễ hội Đền Bảo Hà năm nay, vài đoàn khách biết đến sản phẩm hồng Bảo Hà đã tìm đến tận vườn để mua. Đây cũng là tín hiệu vui khi nơi đây trở thành vùng trồng hồng đặc sản, không chỉ đơm những mùa quả ngọt, mà còn trở thành điểm du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh, tạo cơ hội cho nhiều du khách đến trải nghiệm một miền vườn cây trái trù phú bên dòng sông Hồng trong tương lai không xa.
0 nhận xét: