Toàn huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) hiện có 1.052 ha chuối, chủ yếu là giống chuối tây. So với các loại cây khác, chuối tây dễ trồng, có khả năng chống hạn tốt, sau khi trồng khoảng 1 năm đã cho thu hoạch, thời gian cho thu hoạch từ 3 - 5 năm liên tục mà không cần trồng lại, do vậy tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, cây chuối đang được trồng tập trung tại xã như Kim Bình, Tri Phú, Kiên Đài…
Chị Phạm Thị Hòa, một thương lái ở thôn Tiên Hóa 1, Vinh Quang thu mua chuối của nhân dân.
Xã Kim Bình hiện có 500 ha chuối, tập trung nhiều tại các thôn Đèo Nàng, Khuổi Chán, Tông Bốc… mỗi thôn đều có trên 100 ha chuối. Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã cho biết, cây chuối đã gắn bó với người dân Kim Bình từ hàng chục năm nay, mang lại nguồn thu nhập khá. Là loài cây dễ trồng lại cho thu hoạch lâu dài nên cây chuối hiện đang là cây trồng chủ lực của xã.
Từ năm thứ 2 trở đi cây chuối giống có thể đẻ từ 4 đến 6 nhánh, mỗi nhánh cho ra một buồng chuối, mỗi buồng trung bình 15 đến 20 cân, buồng lớn 30 cân, bán được khoảng 100.000 đồng. So với cây ngô, hay cây lúa, cây chuối tây cho thu nhập gấp 4 đến 5 lần. Cây trồng này có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở đất đồi, đây là một lợi thế lớn. Gia đình chị Phạm Thị Vượng, thôn Đồng Ẻn, xã Kim Bình có 1 ha đất đồi trồng chuối, mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng. Gia đình chị đã thoát nghèo từ trồng chuối.
Điểm thu mua chuối tại thôn Bản Tù, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).
Xã Tri Phú có diện tích chuối lớn thứ 2 sau Kim Bình với 200 ha được trồng ở tất cả 15 thôn trong xã. Toàn xã hiện có khoảng 100 hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Ông Ma Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú nhấn mạnh, nhiều năm qua, cây chuối trở thành cây trồng chủ lực của xã. Mỗi năm sản lượng chuối toàn xã đạt gần 4.000 tấn, tổng thu nhập từ chuối trên 10 tỷ đồng.
Hiện nay, sản phẩm chuối của Chiêm Hóa đều được xuất khẩu sang Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp nào trong nước, trong tỉnh tìm mua thu mua để chế biến. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, quả chuối là thực phẩm giàu vitamin và có thể chế biến được nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu chuối, chuối sấy, mứt, bánh kẹo… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có rượu chuối Kim Bình được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền vào tháng 3 - 2015 và cũng chính là sản phẩm duy nhất từ cây chuối được công nhận.
Cây chuối đã gắn bó với người dân Kim Bình từ hàng chục năm nay.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, những năm gần đây diện tích chuối tăng lên đáng kể, bởi thời gian cho thu hoạch sớm, đầu ra ổn định nên người dân chuyển đổi một số loại cây trồng khác sang trồng chuối.
Trong thời gian tới, phòng xây dựng Đề án phát triển cây chuối gắn với chương trình mỗi xã 1 sản phẩm để nâng cao giá trị cây chuối. Hiện nay, nhiều gia đình đã bắt đầu trồng thử cây chuối tiêu hồng vì mẫu mã đẹp lại chín rộ đúng dịp Tết nguyên đán góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
0 nhận xét: