Những năm gần đây, giống cam Vạn Yên đã trở thành một trong những sản phẩm nông sản tiêu biểu mang rõ nét đặc trưng của xã Vạn Yên (Vân Đồn). Với vị thơm ngon, ngọt đậm đà, cam Vạn Yên ngày càng được thị trường tiêu dùng địa phương cũng như các vùng lân cận ưa chuộng.
Cam Vạn Yên có vị thơm ngon, ngọt đậm đà.
Vạn Yên là một trong 6 xã nghèo của huyện Vân Đồn, với điều kiện địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đất canh tác ít nên đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong thời gian qua, xã Vạn Yên đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Dựa vào vị trí địa lý và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, Vạn Yên chọn giống cam địa phương làm cây kinh tế chủ lực giúp người dân xoá đói giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Từ đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn mở rộng sản xuất, đồng thời nhân rộng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn xã. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có diện tích trồng cam lên đến gần 200ha, chiếm gần 50% diện tích theo kế hoạch đã đề ra.
Anh Trần Văn Tùng, thôn 10/10, xã Vạn Yên chia sẻ: Cam Vạn Yên đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến bởi vị thơm ngon và ngọt đậm đà. Chính vì vậy, việc giữ và nâng tầm thương hiệu cho cam Vạn Yên luôn được các hộ kinh doanh cam ở đây thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, người tiêu dùng không sợ bị độc hại, do việc trồng và chăm sóc cây cam ở đây hoàn toàn không sử dụng hóa chất mà chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất để cây phát triển và cho quả tự nhiên. Với điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp của Vân Đồn nếu chăm sóc tốt, 1ha có thể thu 40-50 tấn quả để cung cấp ra thị trường.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Trần Văn Tùng, thôn 10/10, xã Vạn Yên.
Xác định cam là cây trồng mũi nhọn, xã Vạn Yên đã thường xuyên phối hợp với Viện Rau quả Trung ương tiến hành các đợt tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật ghép, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cam nhằm cải thiện giống cây trồng, năng suất, chất lượng quả. Đồng thời, tiến hành thí điểm trồng cam theo mô hình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới việc xuất sản phẩm ra tỉnh ngoài.
Bên cạnh đó, để giữ vững thương hiệu và tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng, cam Vạn Yên cũng đã được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Tại mỗi dịp Hội chợ OCOP tỉnh và các phiên chợ sản phẩm cam Vạn Yên đều được người tiêu dùng đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn.
Hiện tại, cam Vạn Yên đang là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Vân Đồn, là sản phẩm đặc sản mà Vạn Yên khuyến khích phát triển, tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Cam Vạn Yên có giá trị kinh tế cao, giá bán cam vào vụ mùa có thể dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Người dân Vạn Yên thu hoạch cam bán cho du khách.
Ông Chu Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết: Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm cam Vạn Yên trên thị trường, xã sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kỹ thuật mới cho các hộ trồng cam. Đồng thời với đó, xã cũng sẽ có những cơ chế khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương theo hướng an toàn, chất lượng để thương hiệu cam Vạn Yên ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong thời gian tới.
0 nhận xét: