Ngày 20- 5, ông Kako - Một doanh nhân của Nhật Bản đến khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang. Cùng đi có đại diện Bộ Công thương, Sở Công thương, tiếp đón đoàn có ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Ông Lê Bá Thành hướng dẫn các đại biểu thăm vùng sản xuất vải thiều an toàn tại thôn Muối xã Giáp Sơn. |
Theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay tổng diện tích trồng vải của huyện Lục Ngạn là 15.290 ha, sản lượng năm 2019 ước đạt khoảng 80 nghìn tấn. Diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap tăng lên 11.500 ha.
Toàn huyện đã có 36 mã vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói là Hợp tác xã Hồng Xuân, Hợp tác xã Hồng Giang, doanh nghiệp Hùng Thảo được Trung Quốc chấp nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã cấp 18 mã số vườn cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại các xã: Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao với diện tích 217,89 ha.
Về thị trường tiêu thụ, huyện Lục Ngạn tiếp tục tập trung vào các trung tâm đầu mối lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Chủ động mời, làm việc với các nhà phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Big C, Co.op mart để đưa vải thiều vào kênh phân phối các siêu thị lớn, đồng thời tiếp tục tập trung vào các chợ đầu mối hoa quả, các chuỗi bán lẻ ở các tỉnh, thành phố. Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong quá trình thu mua vải thiều xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Anh, Mỹ…
Thị trường Nhật Bản không phải là một thị trường nhập khẩu vải lớn, nhưng vẫn có tiềm năng phát triển. |
Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi có những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Kako cho biết, sẽ tạo điều kiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Nếu thành công, sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản tổ chức những hoạt động xúc tiến để người dân Nhật Bản biết đến vải thiều, đồng thời phía đối tác cũng đưa ra khuyến cáo với người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất vải an toàn, bảo đảm danh tiếng và chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Phía Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam cần tích cực hỗ trợ người dân về mặt công nghệ, quy trình bảo quản.
Tại chuyến khảo sát, ông Kako đã hướng dẫn cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện một số thí nghiệm bảo quản vải thiều tươi. Nếu thành công sẽ thực hiện việc xuất khẩu vải thiều tươi sang Nhật Bản ngay trong vụ vải thiều năm nay.
0 nhận xét: