Với lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống, những năm gần đây, vải đang là cây trồng tiềm năng được nhiều hộ dân ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) lựa chọn với kỳ vọng sẽ trở thành loại cây đặc sản của địa phương.
Ông Nguyễn Duy Tiên, Bí thư chi bộ thôn 12A, xã Ea Kly (bìa phải) giới thiệu về vườn vải của mình.
Trước đây, người dân xã Ea Kly chủ yếu chỉ canh tác các loại cây trồng như cà phê, sắn, lúa, ngô, đậu…, song năng suất hằng năm đạt thấp, giá cả thị trường bấp bênh nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm 2008, ông Nguyễn Duy Tiên, Bí thư Chi bộ thôn 12A đã tiên phong đưa giống vải U Trứng Bình Khê từ tỉnh Quảng Ninh vào trồng thử nghiệm trên 1 sào đất vườn. Qua quá trình chăm sóc, đúc rút kinh nghiệm, ông nhận thấy loại cây trồng này ít sâu bệnh, phát triển khá tốt, năng suất không thua kém vải được trồng ở các tỉnh phía Bắc nên đã mạnh dạn phá 1,1 ha cà phê để nhân rộng.
Ông Tiên chia sẻ, đặc tính của cây vải là gặp thời tiết lạnh mới ra hoa, do đó, điều quan trọng là phải nắm được diễn biến thời tiết để có biện pháp chăm sóc, tỉa cành giúp kích thích phân hóa mầm hoa tốt, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật tủ gốc để giữ ẩm vừa đủ thì cây mới đậu quả đều. Ngoài ra, để duy trì được năng suất và chất lượng trái vải, cần nắm được nhịp sinh trưởng của cây để điều tiết chất dinh dưỡng tùy từng thời điểm. Riêng trong 2 năm 2017 và 2018, vườn vải nhà ông Tiên cho thu 20 tấn quả/vụ, sau khi trừ chi phí thu lời khoảng 900 triệu đồng/năm, cao gấp 5-10 lần so với cây trồng truyền thống khác trong xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tiên còn tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân trong thôn nhân rộng, đồng thời chiết cành bán giống, hỗ trợ kỹ thuật cho những ai có nhu cầu.
Vải trồng ở xã Ea Kly ra trái sớm hơn ở các tỉnh phía Bắc khoảng hơn 1 tháng.
“Vải trồng ở xã Ea Kly ra trái sớm hơn ở các tỉnh phía Bắc khoảng hơn 1 tháng, trong khi đó, năng suất, chất lượng quả được tư thương đánh giá rất cao: quả to, cùi dày, độ ngọt cao, đặc biệt là vỏ có màu tươi và dày nên bảo quản được lâu, thị trường rất ưa chuộng, giá bán luôn cao từ 45.000 - 50.000 đồng/kg”. - Ông Nguyễn Duy Tiên
Gia đình ông Nguyễn Duy Thắng ở thôn 12A cũng là một trong những hộ nhân rộng mô hình trồng vải thành công. Hiện nay, gia đình ông có 4 sào vải đang cho thu hoạch ổn định. Ông Thắng cho biết, trước đây toàn bộ diện tích đất của gia đình ông chỉ tỉa ngô, đậu nhưng năng suất thấp. Khi thấy bà con trong xã mở rộng diện tích vải U Trứng Bình Khê, năm 2012, ông cũng chuyển đổi toàn bộ đất vườn sang loại cây này. Theo ông Thắng, cây vải rất dễ trồng và ít tốn công chăm sóc. Sau 3 năm cây bắt đầu cho thu hoạch quả và cứ thế mỗi mùa vụ, tán cây phát triển rộng thì năng suất càng tăng lên.
Một người dân ở thôn 12 A (bìa phải) tìm hiểu và mua vải giống của ông Tiên.
Ông Hoàng Hữu Triết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Kly cho rằng, việc đưa cây vải về trồng trên đất Ea Kly không những góp phần tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn hứa hẹn một hướng làm giàu mới cho người nông dân. Nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế từ cây trồng này như gia đình ông Nguyễn Duy Tiên (thôn 12A), Nguyễn Duy Thắng, Trần Khắc Vinh (thôn 12A), Hoàng Hải Triều (thôn 14)… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Triết cho rằng, hiện nay người dân trồng vải theo kiểu “mạnh ai nấy làm” sẽ dễ bị thương lái ép giá. Để cây vải trở thành thương hiệu của xã Ea Kly, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường thì cần thiết có sự liên kết giữa những người trồng vải, thống nhất từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc... mới duy trì được sản lượng và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
0 nhận xét: