Trò chuyện với một số nhà vườn trồng thanh long xuất khẩu ở Hàm Thuận Nam, được biết: Vài năm trước đây vì sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch nên nhiều nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giá thanh long “nhảy múa” đã khiến nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển thanh long bền vững.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trải qua nhiều đợt thanh long rớt giá mạnh, hàng tấn trái không có người mua, nhưng riêng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiêu thụ, xuất khẩu bình thường với giá cả ổn định. Từ những bài học giá thanh long “nhảy múa” đã khiến nhiều hộ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển thanh long bền vững hơn.
Một tín hiệu vui khi Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Thuận Nam thông tin: Năm 2018, huyện thực hiện cấp mới trên 586 ha với 46 tổ, nhóm, vượt 245% KH tỉnh giao, tương đương 170 ha. Trong đó, có 302 ha/10 tổ, nhóm thành lập mới và tăng tái cấp 283 ha/34 tổ, nhóm. Đến nay, toàn huyện có 5.960 ha/3.857 hộ/205 tổ nhóm, trang trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm đến 47,7% trên tổng số thanh long toàn huyện (12.497 ha).
Với con số khá ấn tượng này, Hàm Thuận Nam dẫn đầu toàn tỉnh về chương trình sản xuất thanh long VietGAP. Điều này cho thấy, sau thời gian thờ ơ nhiều nông dân đã thấy rõ được ý nghĩa của chương trình sản xuất theo VietGAP nên đã tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận cùng với các tổ/nhóm trên địa bàn. Nông dân cũng đang nỗ lực phát triển thanh long theo hướng bền vững.
Thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP tiêu thụ, xuất khẩu bình thường với giá cả ổn định.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Trưởng bộ môn kỹ thuật canh tác, Viện Cây ăn quả miền Nam: Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có ý nghĩa quan trọng, nhất là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Bởi ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bà con còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất.
Mặt khác, quả thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu với yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, vì vậy để vượt qua rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu, không có con đường nào khác là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân Nguyễn Văn Toàn - trồng thanh long xuất khẩu ở thôn Phú Cường, xã Hàm Cường so sánh: “Nếu so với lối canh tác cũ thì sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe, nhất là khâu quy trình chăm sóc phải đúng công đoạn theo tiêu chuẩn quy định. Và chỉ có sản xuất an toàn mới không còn thấp thỏm lo rớt giá”.
Nhận thức của nông dân được nâng lên cộng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo huyện, sự sâu sát Ban Chỉ đạo phát triển thanh long bền vững huyện, người dân trồng thanh long tại Hàm Thuận Nam đang dần thay đổi tập quán canh tác thanh long theo VietGAP. Ngoài ra, tại một số trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam, nông dân còn đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) sản xuất thanh long sạch để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản...
Nhiều trang trại thanh long Bình Thuận trồng theo quy trình GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đã có nhiều trang trại thanh long được các thị trường khó tính đón nhận nhờ trồng theo quy trình GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…Đơn cử, Trang trại thanh long rau quả Bình Thuận (xã Hàm Minh) với diện tích trên 20 ha đã cho thu hoạch sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Phần lớn được xuất khẩu chính ngạch qua thị trường châu Âu và các nước khác. Trang trại Phúc An (xã Hàm Cường) hiện có 25 ha thanh long ruột trắng theo chuẩn GlobalGAP đã cho thu hoạch xuất khẩu qua Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Úc. Trang trại đang trồng thử nghiệm thêm 20 ha thanh long ruột tím hồng…
0 nhận xét: