Từng là vựa dưa lê lớn của tỉnh Hải Dương nhưng vụ này, sản lượng dưa lê của huyện Gia Lộc giảm mạnh, diện tích trồng cũng bị thu hẹp. Nguyên nhân do dưa chết hàng loạt. Người dân đang loay hoay chưa biết trồng cây gì để thay thế.
Gia đình anh Phạm Đình Tuyển ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi trồng gần 5 sào dưa lê nhưng không cây nào sống sót. Anh Tuyển cho biết ban đầu dưa lên xanh tốt nhưng khi quả to, sắp cho thu hoạch thì cây héo rồi chết. “Nhìn ruộng dưa xanh mơn mởn nhưng cứ héo rũ rồi chết dần mà bất lực, không làm gì được”, anh Tuyển nói.
Mỗi sào dưa lê, anh Tuyển bỏ ra 2,6 triệu đồng thuê máy làm đất, mua giống và phân bón. Vụ dưa lê này, anh Tuyển lỗ khoảng 15 triệu đồng, chưa kể công sức vợ chồng anh bỏ ra.
Gia đình bà Đoàn Thị Miền ở thôn Quang Bị, xã Phạm Trấn trồng 4 sào dưa lê. Trong đó, 2 sào dưa lê đang cho quả bằng nắm tay thì chết. 2 sào còn lại, theo lời bà Miền, cây dưa không héo nhưng sau khi gặp vài trận mưa tuần trước cũng chết hết. “Tôi thu được 2 tạ quả nhưng chất lượng kém. Quả nhỏ, ăn nhạt và không thơm vì chưa đến thời kỳ thu hoạch”, bà Miền nói.
Quả dưa còn non, chất lượng kém nên dù giá dưa ngoài thị trường từ 12.000 - 15.000 đồng/ kg nhưng bà Miền chỉ bán được 6.000/kg. Mọi năm, mỗi sào dưa lê, gia đình bà Miền thu được 7 - 8 tạ quả, bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, cho lãi từ 7 - 10 triệu đồng/vụ. Năm nay, nếu trừ tiền giống, phân bón, tiền thuê làm đất, bà Miền lỗ gần 10 triệu đồng/sào.
Tình trạng dưa lê chết hàng loạt xảy ra tại một số xã trồng nhiều ở huyện Gia Lộc như Lê Lợi, Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn… Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích dưa bị chết nhưng thực trạng trên khiến năng suất dưa lê trên địa bàn giảm 30% so với mọi năm, chỉ đạt 3 - 4 tạ/sào. Nguyên nhân dưa lê chết được xác định do mưa nhiều, người dân chuyên canh cây dưa lê đã nhiều năm khiến đất biến đổi, chứa nhiều mầm bệnh.
Không chỉ năng suất giảm, diện tích trồng dưa lê của huyện Gia Lộc cũng sụt giảm. Năm nay, diện tích dưa lê trên địa bàn huyện chỉ đạt 133 ha, giảm khoảng 70 ha so với năm trước. Năng suất và diện tích cùng giảm nên sản lượng dưa lê giảm mạnh. Sản lượng dưa lê năm nay chỉ đạt gần 1.500 tấn, giảm hơn 1.800 tấn so với mọi năm.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc khuyến cáo người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng mới như ngô, bầu, bí, mướp… Tuy nhiên, người dân vẫn đang loay hoay chưa biết trồng loại cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
0 nhận xét: