Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có khi hơn 40 độ C, người ở trong nhà còn bức bối vì cái nóng quá sức chịu đựng của cơ thể, vậy nhưng trên bãi đất bồi ven sông Yên, nhiều nông dân thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn tần tảo áp mặt xuống đất, phơi lưng cho nắng để chăm sóc các ruộng dưa hấu Hắc mỹ nhân.
Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, người dân Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương) vẫn bám đất, chăm bón ruộng dưa. |
Người nông dân liên tục dừng tay uống nước, vậy nhưng cũng chỉ làm được một lúc lại phải tìm bóng râm ngồi nghỉ. Không giấu nổi vẻ mệt mỏi, ông Trần Văn Siêng than thở: "Nắng nóng đã xáo trộn đến sinh hoạt hằng ngày của mọi người dân, còn với nông dân chỉ biết than trời khi gặp thời tiết khắc nghiệt thì không thể có mặt ngoài đồng thường xuyên nên cây trồng thiếu nước cứ héo dần".
Các ruộng dưa ven sông Yên này có diện tích khoảng 2ha, nếu thời tiết thuận lợi thì năng suất trung bình đạt gần 40 tấn/ha. Gặp thời điểm thương lái đến tận nơi thu mua với giá 6-7 ngàn đồng/kg thì người trồng dưa cũng có lãi 7- 8 triệu đồng/sào nhưng điều đó rất hiếm, đa phần "lấy công làm lời", còn bỏ đất hoang thì tiếc... Quệt vội lớp mồ hôi trên trán, ông Trần Huynh nhọc nhằn góp chuyện, trồng dưa hấu là vất vả nhất trong nghề trồng các loại cây màu ăn quả. Không giống như những cây trồng khác, đất trồng dưa hấu phải luôn thay đổi theo mùa vụ, luân phiên các loại hoa màu khác nhau, nếu trồng tiếp thì dưa dễ chết. Trồng dưa hấu đòi hỏi cao về điều kiện đất, khí hậu, kỹ thuật.
Cho nên, ông bà ta thường nói "trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa" là vậy. Mỗi năm, vùng đất nơi đây chỉ trồng một vụ và trồng vào mùa khô, nếu chẳng may vừa xuống giống mà gặp phải trời mưa là coi như bỏ vụ, bởi mưa trong giai đoạn này sẽ làm cây bị thối rễ không sinh trưởng được; còn nếu mưa vào giai đoạn quả phát triển thì làm giảm chất lượng sản phẩm, hay nói cách khác là giảm vị ngọt ngào của dưa, hoặc nếu mưa dầm, nước đọng thì chỉ cần một đêm là dưa "nổ" trắng ruộng, bao nhiêu công sức bỏ ra trở thành "công cốc".
Hơn 10 ngày nay, kể từ ngày xuống giống, hầu như vợ chồng ông Ngô Quy chỉ quanh quẩn ngoài ruộng dưa. Gần 15 năm theo nghề, ông Quy đã thành thạo các kỹ thuật chăm sóc dưa. Công đoạn nào ông cũng nhẹ nhàng, cẩn thận chăm chút dưa như chăm sóc con mọn. Đặc biệt là công đoạn sau chọn trái, sâu rầy rất nhiều, lơ là một tí là dính liền, trái nào bị sâu tạo vết coi như bỏ. Cho nên trời nắng mấy cũng phải ra đồng. Một buổi không tưới nước, ruộng dưa sẽ ủ rũ ngay. Trồng dưa phải túc trực ròng rã hơn 2 tháng mới đến ngày thu hoạch. Rồi phải dựng chòi trông giữ dưa, đề phòng trẻ con nghịch phá. Vì vậy, nhà nào có nhiều lao động mới dám canh tác dưa...
Cũng theo ông Quy, người trồng dưa đã rút ra kinh nghiệm, không đồng loạt xuống giống cùng một lúc, mà dàn trải theo nhiều trà khác nhau, để không xảy ra tình trạng "bội thực" để rồi bị thương lái ép giá. Không phải đến bây giờ, người nông dân mới biết đến sự bấp bênh của nghề trồng dưa. Giá dưa hấu rất thất thường. Năm trước được giá, năm sau lại mất giá, trong một mùa giá cũng có lúc thấp, lúc cao.
Có thể nói, nhìn những người nông dân thôn Phú Sơn 3 bất chấp nắng nóng, miệt mài lao động trên từng luống dưa, chúng tôi nhận ra rằng, không phải ngẫu nhiên, mùa nắng, dưa hấu được mệnh danh là loại trái cây "vua". Bởi chất chứa trong ruột đỏ, vị ngọt mát và chất bổ dưỡng đó, còn có cả vị mặn chát của mồ hôi người nông dân. Rời khỏi những ruộng dưa khi nắng nóng bắt đầu đạt đỉnh, nhưng vẫn còn đó nhiều dáng người tất tả bám nghề mưu sinh, bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Dường như vất vả với họ là lẽ thường. Nỗi mong muốn lớn nhất của họ bây giờ chỉ là "mong dưa tươi tốt, được mùa và khi thu hoạch thì không bị rớt giá".
0 nhận xét: