Họ là những “ cao thủ” leo dừa đã có nhiều năm trong nghề “kiếm cơm” trên những ngọn dừa cao chót vót. Nhưng, hầu hết họ đều chia sẻ rằng, nghề này, luôn phải đối diện với những bất an vì nguy hiểm khó lường khi ở trên cây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Cao thủ” leo dừa
Anh Trần Văn Sắc (31 tuổi, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) người có 10 năm trong nghề “đu mình” trên những ngọn dừa, được người dân trong xóm gọi là “cao thủ” leo dừa. Những ngày này, nắng hửng lên, anh Sắc lại tranh thủ gói ghém đồ đạc, những vật dụng làm nghề, từ sáng sớm chạy chiếc xe máy tuềnh toàng để đi thu mua dừa khắp nơi.
“Tranh thủ chạy kiếm ít đồng. Cực thì không cực mấy, làm nghề quen rồi, nhưng có điều nắng quá. Mùa này, chủ yếu hái dừa non bỏ cho mấy quán bán nước dừa phục vụ nước uống giải khát. Dừa già tháng 7-8 mới có, dùng sản xuất bánh dừa, mứt dừa. Một ngày trung bình leo hái được 50 trái, có khi hơn. Làm thì làm vậy chứ không đủ sống, một ngày kiếm khoảng 150 nghìn đồng thôi”, anh Sắc cho hay.
Một ngày theo chân anh xuống ven biển, tận mắt chứng kiến cách anh leo hái dừa, mới biết được, vì sao được mọi người gọi anh là “cao thủ” leo dừa. Cây dừa to, cao, đứng ngạo nghễ giữa bãi cát trắng; những rặng dừa nghiêng ngả theo gió. Bằng kỹ năng và kinh nghiệm già dặn lâu năm, chẳng mấy chốc anh đã phóng như sóc lên đến ngọn cây. Dụng cụ anh dùng để hái trái là một con dao chặt dừa và vài cái bao 50 để đựng dừa.
“Đồ nghề phục vụ công việc cũng đơn giản thôi. Quan trọng muốn sống được với nghề phải biết chỗ mô dừa nhiều mà tới mua.Tôi thường đến các vùng ven, xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Tiến, huyện Núi Thành để thu mua dừa, vì ở đó dừa nhiều và cây phát triển tốt. Làm nghề mười năm nên cây dừa nhà nào đang đến độ phát triển tôi đều biết cả. Tôi canh chừng 4 tháng sau khi hái sẽ tiếp tục trở lại; xem lúc ấy, dừa ra trái trở lại thì hái tiếp”, anh Sắc cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (52 tuổi, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có thâm niên 30 năm trong nghề, được các đồng nghiệp xếp vào top những người leo dừa giỏi.
Ông Sơn cho biết: “Tùy theo mùa, chứ không phải cây dừa quanh năm đều có trái. Đó cũng là cái khó của những người trong nghề như chúng tôi. Dừa vào mùa khoảng tháng 3 – 4, còn những tháng khác cây dừa phát triển rất kém chất lượng. Nhiều trái về chặt ra cơm mỏng, có trái không có cơm, tiếc nuối cũng đành bỏ đi. Bởi vậy, theo tôi thì những người sống được bằng nghề này phải có kinh nghiệm lâu năm mới mua ra dừa chất lượng”.
Nguy hiểm khi leo
Vì miếng cơm manh áo, những người làm nghề leo dừa như ông Sơn bất chấp nguy hiểm sống với nghề, dẫu tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, không ai biết. Ông Sơn chia sẻ, ngót 30 năm theo nghề, nhiều lần gặp phải nguy hiểm đến từ trên cây.
“Một ngày cũng như mọi ngày tôi bắt đầu với công việc của mình, tôi thức dậy thật sớm để đến chỗ hẹn với khách hàng để thu mua dừa, ở xã Tam Tiến. Khi lên đến ngọn cây để hái dừa đưa xuống đất, thì bất ngờ, ở trong bẹ dừa, những con ong vò vẽ bay ra chích vào mặt làm sưng tấy. Nếu lúc đó tôi không giữ được bình tĩnh, rất có thể sẽ mất thăng bằng và ngã từ trên cây xuống dưới đất, rất nguy hiểm. Ngày hôm sau vết thương càng trở nên nghiêm trọng, tôi phải nghĩ mất vài tuần để chữa lành mới có thể tiếp tục hành nghề được”, ông Sơn nhớ kể.
Còn theo ông Trần Đinh (61 tuổi, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), người có 20 năm nghề; làn da rám nắng; trên bắp tay, phần bụng ông vẫn còn những vết sẹo chi chít do leo dừa để lại. Hiện tại, ông ít leo dừa vì tuổi cao, nhưng dùng chiếc câu liêm giật dừa từ trên cây xuống.
Ông Đinh cho biết: “Nghề này luôn đối diện với những nguy hiểm mà không thể nào lường trước được, thậm chí còn mất tánh mạng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Bản thân tôi nhiều lần bị ngã gãy chân, giờ trời trở lạnh xương khớp lại đau nhức, rất khó chịu. Còn riêng ở xóm tôi, có thanh niên tuổi mới lớn chưa có công ăn việc làm ổn định cũng tập tành đi leo dừa, nhưng được vài tháng thì bỏ nghề, hỏi ra mới biết, vì tai nạn ngã từ trên cây xuống bị gãy tay”.
Để bảo vệ thân thể, ông Đinh còn tự chế ra một dây bảo hộ, thắt chặt lưng quần vào thân cây, gặp những cây cao thì đem ra sử dụng. “Mình chỉ phòng thôi, với những cây cao thì dùng. Chiếc câu liêm chỉ phát huy tác dụng với những cây thấp, cây tầm trung. Nhờ có dây bảo hộ cũng tránh được những tai nạn rủi ro không đáng có, với lại, cũng giảm được sức leo trèo trong khi tuổi tôi cũng đã cao rồi”, ông cho biết thêm.
Còn anh Trần Văn Sắc, cũng nhiều lần leo dừa bị ngã gãy tay nhưng vì miếng cơm manh áo mới theo nghề, mà nghĩ việc thì không biết làm gì. Anh nói: “Biết là nguy hiểm, nhưng nghề này là cuộc sống, là “chén cơm” của cả gia đình nên không thể nào bỏ được”.
0 nhận xét: