Nằm lưng chừng vùng đồi núi của xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), vườn trái cây kiểu Nam Bộ của vợ chồng anh Lê Bá Tùng (47 tuổi) hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao.
Sinh ra ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), nhưng vì hoàn cảnh nên vợ chồng anh Lê Bá Tùng rời quê hương đi kinh tế mới ở huyện Hớn Quản (Bình Phước). Trồng 1,5ha cao su được 2 năm, nhưng cảm thấy thu nhập không cao, vợ chồng anh bán diện tích cao su này để khăn gói ra Quảng Nam lập nghiệp. Trước đó, anh Tùng từng đến Quảng Nam và nhận biết vùng đất này có thể phát triển kinh tế với các loại cây ăn quả như ở miền Tây Nam Bộ.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng nơi đây hợp với các loại cây trái như chôm chôm, quýt đường, xoài..., sau nhiều lần bàn bạc, anh cùng vợ quyết định mở trang trại trồng cây ăn quả. "Lúc đầu khi mới về đây, do nguồn vốn hạn hẹp nên cũng lo sợ trong việc xây dựng mô hình này. Nhưng nhờ sự động viên của vợ cũng như bà con thân thiết, tôi đã mạnh dạn đầu tư để đến hôm nay vườn cây bắt đầu cho trái và đem lại thu nhập ổn định" - anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng kể, năm 2012, với 2,5ha đất đồi núi thuộc thôn Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây) được người quen nhượng lại, vợ chồng anh đầu tư trồng hơn 300 gốc chôm chôm, 300 cây xoài, xen canh 250 cây quýt đường và 100 cây cam theo quy cách như vườn cây Nam Bộ. Ngoài ra trồng thử nghiệm hơn chục cây sầu riêng.
Tính cần cù, chịu khó của người phương xa đi lập nghiệp, cộng với đã từng có kinh nghiệm làm vườn nên vườn cây ăn quả của anh Tùng phát triển xanh tốt. Anh cho biết, mỗi loại cây ăn quả có một cách chăm sóc và bón phân riêng. Việc cần thiết nhất đối với cây ăn quả là nguồn nước tưới phải ổn định. Để có nguồn nước tưới thường xuyên, anh đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ hố Bà Tróc về khu vườn.
Hiện nay tuy là mùa đầu tiên thu hoạch, kết quả chưa cao, nhưng các loại quýt đường, xoài, chôm chôm cũng đem về cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Trừ mọi chi phí còn lãi 60 triệu đồng.
Anh Tùng tâm sự: "So về chất lượng, trái cây trồng ở đây không thua gì trong Nam Bộ, tuy nhiên sản lượng thì không bằng. Do đất quá nhiều đá nên việc chăm sóc cây khó khăn hơn, thời tiết thất thường, mưa lớn kéo dài cũng ảnh hưởng nhiều đến sản lượng".
Chất lượng trái cây tốt nên được thương lái đến đặt mua ngay tại vườn. Là mô hình tiêu biểu của địa phương, vườn trái cây của anh Tùng thường xuyên đón các đoàn đến tham quan và học hỏi mô hình. Anh cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các gia đình trên địa bàn xã muốn đi theo mô hình này.
Ông Nguyễn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết: "Anh Tùng là người tiên phong mang các giống cây ăn quả của Nam Bộ về Tam Mỹ Tây. Đây là mô hình điển hình, phát triển rất ổn định của địa phương nên trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh Tùng phát triển trang trại".
0 nhận xét: