Cây hạnh (còn gọi là tắc, quất) là một trong những cây kiểng được nhiều người ưa chuộng để trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán. Bởi, theo quan niệm của mọi người, trưng cây này trong dịp đầu năm sẽ mang lại cho gia chủ sự sung túc và hạnh phúc. Chính vì lý do đó mà nghề trồng hạnh đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân trong dịp Tết đến xuân về.
Trồng hạnh bán Tết đã giúp gia đình chị Hiền có cuộc sống thoải mái hơn. |
Phấn khởi chờ Tết
“Năm rồi, gia đình tôi trồng thử nghiệm gần 120 gốc hạnh để bán trong dịp Tết và đã thành công ngoài mong đợi. Sau đợt đó, gia đình tôi thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục mua cây giống trồng.Hiện nay, cây đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ bán được giá cao” - đó là nhận định của chị Nguyễn Thị Hiền (ở xã Phú Vĩnh, TX.Tân Châu) khi nói về mô hình trồng cây hạnh để bán Tết.
Vườn hạnh nhà chị Hiền có diện tích khoảng 1,5 công, với 200 gốc. Trong đó chị dành 2 liếp, khoảng 90 cây để chăm sóc, bán trong dịp cuối năm.Theo chị Hiền, để có cây hạnh sai trái, chín mọng đúng dịp Tết phải chuẩn bị ngay từ đầu năm. “Cây giống sau khi mua về trồng 1 tháng bắt đầu ra hoa, cho trái.Đợt này, mình lặt bỏ hoa và trái để dưỡng cây.Đến khoảng tháng 7 (âm lịch) xử lý ra hoa đồng loạt.Từ đó, chỉ cần tưới nước đầy đủ kết hợp phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, cũng như phun thuốc dưỡng để trái to, đều. Khoảng 20 tháng chạp có thể cho vào chậu, chuẩn bị đưa ra thị trường” - chị Hiền thông tin.
Khác với nhiều chủ vườn tập trung vào dòng bon-sai hay tạo dáng, chị Hiền chọn cho mình hướng đi riêng bằng cách để cây phát triển tự nhiên, không uốn cành hay tạo dáng. Do đó, mỗi cây có một dáng riêng, không trùng khớp với nhau. Ngoài ra, do được chăm sóc kỹ, chu đáo nên cây sai trái, to, đều, chín mọng, khá bắt mắt.
Tuy nhiên, theo chị Hiền, do ảnh hưởng của thời tiết, kèm với việc mua cây giống kém chất lượng nên vườn hạnh nhà chị bị thất thoát khá nhiều. Điều này dẫn đến số lượng cây cung cấp trong năm nay giảm so năm rồi. “Ngoài ra, do người trồng ngày càng nhiều nên giá mặt hàng này có thể không tăng. Hiện nay, giá mỗi chậu khoảng 200.000-400.000 đồng (tùy theo kích thước). Trong đó cây nhỏ phục vụ khách hàng bình dân là bán chạy nhất” - chị Hiền thông tin thêm.
Hướng đi mới, hiệu quả
Ngoài việc trồng hạnh kiểng để bán trong dịp Tết, gia đình chị Hiền còn hái trái cung cấp cho các chợ ở TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và các chợ ở địa phương. Chị Hiền chia sẻ: “Trái hạnh rất được thị trường ưa chuộng nên có đầu ra ổn định. Hiện nay, bình quân từ 10-15 ngày gia đình tôi thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Giá mặt hàng này khá cao và ổn định.Lúc cao điểm, bán cho thương lái từ 12.000-15.000 đồng/kg, thấp cũng 4.000-5.000 đồng/kg”. Chị Hiền cho biết thêm, trồng hạnh không phải lo khâu tiêu thụ, chủ yếu là thương lái tìm vào tận nhà thu mua. Đặc biệt, cây có thể cho thu hoạch quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập so với các loại cây trồng khác.
Trước đây, trên phần đất hiện tại, gia đình chị Hiền chủ yếu trồng khổ qua, dưa leo và nhiều loại rau màu khác. Nhưng việc canh tác gặp nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, rất cực công. Nhờ người quen giới thiệu, năm 2016, chị Hiền lặn lội xuống tận Bến Tre để mua cây hạnh giống trồng thử.Mặc dù chưa có kinh nghiệm, nhưng vụ đầu thành công khiến chị vô cùng phấn khởi, vững tin vào loại cây trồng này.
Theo chị Hiền, cây hạnh dễ trồng, không kén đất và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nông dân phải chú ý đề phòng nhện đỏ và bọ xít gây hại làm hư đọt non, trái non bị ghẻ và không có nước. Về phương pháp, chị Hiền tiến hành trồng trên liếp cao để tránh ngập nước, có thể gây chết cây. “Nhờ việc chuyển đổi sang mô hình này mà gia đình tôi có cuộc sống thoải mái hơn. Với cây hạnh, công chăm sóc bỏ ra ít hơn nhưng thu nhập cao hơn so với làm rẫy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển tiếp một số diện tích đất để phát triển mô hình này” - chị Hiền chia sẻ.
Với hiệu quả từ việc trồng cây hạnh kiểng bán Tết cũng như bán trái của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Ông Cao Tấn Ân (nông dân xã Phú Vĩnh) nhận định: “Mô hình trồng cây hạnh của chị Hiền là một trong những mô hình mới của địa phương. Qua khảo sát mô hình, tôi nhận thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và có nhiều ưu điểm như: ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác”.
0 nhận xét: