Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán 2019, nhiều nhà vườn đã không ngừng sáng tạo và cho ra sản phẩm là các loại trái cây được tạo hình “độc, lạ”. Chị Hồ Thị Thúy Ngân ở xã Kế An (Kế Sách) đã thành công khi tạo chữ trên trái bưởi, hứa hẹn sẽ tung ra thị trường trong dịp này.
Với diện tích hơn 3.000m2, gia đình chị Ngân trồng khoảng 3.000 gốc bưởi, tuy nhiên những gốc bưởi này đã có tuổi đời hơn 17 năm, nên năng suất cũng giảm dần và bán cũng không được giá cao. Chị Ngân cho biết: “Đa số bà con ở đây là trồng bưởi, mỗi đợt cây cho trái bán thì giá cả phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Trái bưởi được xem là trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng nhất vào dịp tết, nên không ít nhà vườn đã cực công chăm sóc để cây có trái bán vào dịp này. Do đó, để bán được giá hơn, tôi đã tìm hiểu và thử nghiệm kỹ thuật tạo chữ trên trái bưởi”.
Để có được khuôn tạo chữ, chị Ngân phải tìm mua ở Hậu Giang nhưng chi phí hơi cao, sau đó được người quen giới thiệu mua ở TP. Hồ Chí Minh, với giá 40.000 đồng/khuôn chữ. Nói về cơ duyên thực hiện kỹ thuật tạo chữ trên trái bưởi, chị Ngân chia sẻ: “Trong dịp tình cờ được tham quan vườn bưởi tạo chữ ở Hậu Giang thấy mới lạ, sau đó tôi tìm hiểu và áp dụng làm thử tại vườn bưởi nhà mình. Ban đầu, tôi chỉ dám làm thử một vài trái và đã thành công, tôi mới quyết định là tạo chữ trên trái bưởi để bán trong dịp tết này”.
Cũng theo chị Ngân, để tạo hình, chữ trên trái bưởi thì nhà vườn phải chuẩn bị từ 6 tháng trước tết. Khi trái bưởi được 2 tháng tuổi, to bằng nắm tay thì bắt đầu cho vào khuôn nén. Mỗi trái được bọc hai lớp khuôn bằng nhựa, bên trong khuôn úp có khắc hình các chữ tài, lộc, phát… Trái lớn dần và chèn ép vào khuôn, tạo ra các chữ theo ý muốn.
Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi để giới thiệu sản phẩm của mình, nói về quy trình kỹ thuật cũng như cách chăm sóc để tạo chữ thành công, chị Ngân cho biết thêm: “Những trái được chọn để tạo chữ phải tròn đều, không bị tỳ vết và sạm đen, cuống đẹp, thẳng và gần thân. Các mối khép của khuôn cũng phải được ghim chặt, xoắn dây kẽm vì khi trái bưởi phát triển sẽ tạo ra sức ép lớn có thể làm vỡ khuôn. Đối với cách tạo hình thì không quá khó, nhà vườn chỉ cần cho trái còn nhỏ vào khuôn, theo dõi sự phát triển, kê trái sao cho ánh sáng trải đều không tối mặt. Trong quá trình trái phát triển trong khuôn, người trồng phải thường xuyên kiểm tra cân chỉnh để tránh trường hợp bị móp”.
Cũng theo chia sẻ của chị Ngân, mỗi khâu thực hiện đều phải kỹ lưỡng, từ quy trình chọn trái đến thực hiện ép khuôn và cố định khuôn, không để ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên trái vì trái sẽ bị hư do nắng nóng, thường xuyên tưới nước và theo dõi bưởi để phát hiện sâu bệnh. Hiện nay, trên thị trường, sản phẩm bưởi có các chữ: phúc, lộc, thọ, tài được bán với giá khoảng 600.000 đồng/cặp; đối với các loại bưởi tạo hình như: bưởi thỏi vàng, bưởi tiểu đồng thì giá cao hơn từ 1 triệu đồng/cặp, tùy theo mẫu. “Với thành công ban đầu, năm sau tôi sẽ tiếp tục đầu tư để làm sản phẩm độc, lạ này có nhiều hơn nữa, tùy thương lái đến đặt cọc nhiều thì sẽ làm nhiều” - chị Ngân cho biết thêm.
Việc tạo hình, in chữ thư pháp trên các loại trái cây được các nhà vườn công phu thực hiện đã xuất hiện nhiều trên thị trường vào dịp Tết Nguyên đán và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tạo chữ trên bưởi là sản phẩm độc đáo được người dân ở Kế Sách thực hiện thành công và hứa hẹn sẽ tham gia thị trường trái cây chưng tết trong năm nay, góp phần đa dạng cho mâm quả chưng ngày tết.
0 nhận xét: