Những nông dân nhà vườn tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào cuối vụ thu hoạch trái cây. Nơi đây đang trở thành vùng chuyên canh trái cây lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với đặc trưng “mùa nào trái nấy”.
Chôm chôm sum suê trái ở nhà vườn của nông dân Nghĩa Hành.
Vườn nhà ông Nguyễn Đăng Thơi (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) có hơn 10 gốc chôm chôm, 20 gốc bưởi và sầu riêng. Ông Thơi cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên chôm chôm ra rất nhiều trái. Vụ này vườn tôi bán ra hơn 1 tấn chôm chôm. Bưởi trong vườn trồng được gần 4 năm nay đã ra trái bán. Ngoài ra có một số gốc bưởi mới trồng đang ra lứa quả đầu tiên, sầu riêng cũng đang phát triển tốt”.
Vườn nhà ông Lê Văn Quang (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành), có 30 gốc bưởi da xanh. Ông Quang cho biết: “Giá bưởi năm nay khá cao, 30.000-40.000 đồng/kg”.
Vườn nhà chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) năm nay cũng được mùa trái. “Gia đình tôi có 10 gốc chôm chôm đang chín cây, hơn 20 gốc sầu riêng và 100 gốc bưởi da xanh. Bưởi có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, chịu được sự khắt nghiệt, cây càng nhiều tuổi càng sai quả", chị Oanh kể.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh với vườn chôm chôm chín rộ.
Hiện nay, toàn huyện Nghĩa Hành có 28,85ha sầu riêng, sản lượng đạt 60-70kg/cây, giá 80.000 đồng/kg, được nhiều nông dân trồng từ giai đoạn đầu mô hình khuyến nông năm 2012 đến nay đã bắt đầu thu hoạch; cây chôm chôm có diện tích 11,15ha, sản lượng 250kg/cây (đối với cây 7-8 tuổi) giá 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh có diện tích 30,4ha, sản lượng 300-400kg/cây, giá trung bình 30.000 đồng/kg.
Kỹ sư Lê Văn Chính, Trạm Khuyến Nông huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Trái cây trồng đất Nghĩa Hành vẫn theo phương pháp trồng tự nhiên, mùa nào trái nấy. Trạm khuyến nông hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm đất, phòng trừ sâu bệnh hại và hỗ trợ hệ thống nước tưới tiêu. Đồng thời, với đặc trưng là vùng đất dễ ngập lụt, ảnh hưởng mưa bão, Trạm khuyến nông hướng dẫn nông dân cắt ngọn sầu riêng, chôm chôm, bưởi để tránh tình trạng cây gãy, ngã. Nhờ đó, năm nào nông dân Nghĩa Hành cũng ổn định nguồn thu nhập từ thu hoạch trái cây chín vụ”.
Bưởi da xanh đang thay lứa quả đầu tiên sau 2 năm chăm sóc ở đất Nghĩa Hành.
Theo định hướng, huyện Nghĩa Hành sẽ xây dựng để trở thành vùng chuyên canh cây trái quy mô lớn, diện tích hộ nông dân tham gia mô hình phải đạt 0,5ha trở lên. Đồng thời, sẽ tiến tới thành lập các hợp tác xã, xây dựng thương hiệu.
0 nhận xét: