Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 9.200 hecta trồng sầu riêng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng sản lượng đạt 230.000 tấn/năm và cho thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/hecta/năm, cao nhất trong ngành hàng trái cây và cao gấp 14 lần so với lúa, nhưng chưa bền vững vì gặp nhiều khó khăn về sản xuất cũng như tiêu thụ.
Sơ chế và đóng gói sầu riêng chuẩn bị xuất khẩu.
Trong số các khó khăn này, khó khăn lớn nhất là sầu riêng bị bệnh xì mủ, cây suy kiệt rất nhanh rồi chết. Thời gian trồng lại một cây sầu riêng đến lúc cho trái khoảng 05 năm, nên nhà vườn gặp khó khăn về thu nhập trong thời gian khá dài. Bên cạnh đó, trái sầu riêng không đồng đều về mẫu mã, không ổn định về chất lượng…
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ sầu riêng hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái nhỏ thu mua bán cho Trung Quốc, nên giá bán không ổn định, lúc khan hiếm hàng thì giá tăng lên rất cao, lúc dội chợ giá rớt xuống rất thấp, khiến cho thị trường tiêu thụ sầu riêng biến động liên tục, nhà vườn không yên tâm trong sản xuất…
Phần lớn sầu riêng của Tiền Giang tiêu thụ ở Trung Quốc.
Tại hội thảo khoa học về ngành hàng sầu riêng, ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: ở tỉnh Tiền Giang, trái sầu riêng là loại trái cây chủ lực được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển toàn diện. Ông cam kết tỉnh ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư liên kết cùng nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sầu riêng.
Riêng người nông dân cũng cần chủ động, thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tiến bộ, liên kết thành hợp tác xã để sản xuất bền vững hơn. Ông yêu cầu các cấp lãnh đạo và sở, ngành tỉnh quy hoạch vùng trồng, quản lí chặt chẽ mối liên kết sản xuất và tiêu thụ, phát triển chế biến, xúc tiến thương mại,…để đến năm 2020 diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt 12.800 hecta, tổng sản lượng ước sản lượng đạt 350.000 tấn.
0 nhận xét: