Tại xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) dù đang sở hữu 5 ha sầu riêng hơn 15 năm tuổi, nhưng mùa mưa này, nhà nông Nguyễn Văn Cạnh ở thôn Bình Trung, dự định xuống giống thêm 3 ha sầu riêng thay cho diện tích vườn điều.
Nhà nông Nguyễn Thanh Luật ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình chuẩn bị giống sầu riêng trước mùa trồng mới năm nay. |
Theo ông, việc mở rộng diện tích cây sầu riêng là do giá thị trường tiêu thụ sầu riêng từ trước đến nay luôn khả quan hơn so với các loại cây trồng khác. Cũng trong thời điểm này, nhà nông Nguyễn Thanh Luật ở thôn Bình Hòa đang xuống giống 500 cây sầu riêng Thái và Ri6 trên diện tích 6 ha tiêu vừa chết vì nấm phytopthora gây ra.
Tại thôn Bình Thọ, nhà nông trẻ Lê Tấn Bình cũng đang quy tập giống cây sầu riêng để trồng trên 5 ha đất của gia đình trong mùa mưa năm nay. Cách đây 6 năm, hộ anh đã trồng 3 ha sầu riêng trong 15 ha đất của gia đình. Không chỉ xuống giống, gia đình anh còn tranh thủ nhu cầu trồng sầu riêng của người dân trong xã và các vùng phụ cận đang “sốt” để bán cây giống. Các nhà nông này cho biết, giá sầu riêng trên thị trường có rớt xuống 20.000 đồng/kg thì vẫn có lãi, vẫn nhàn hơn so với các loại cây trồng khác. Do vậy, việc chọn cây sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình đang là ưu tiên số 1 hiện nay.
Sau 16 năm gắn bó với 2 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê và cây ăn trái, nhà nông Tô Bình Định ở thôn Bình Hòa cho biết, việc trồng xen cây sầu riêng với các loại cây trồng khác gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc. Khi cây này đến giai đoạn cắt nước, cắt phân bón thì cây kia lại đòi hỏi nước tưới và phân bón, được cây này thì mất cây kia. Đặc biệt, những cây trồng có chung ký chủ gây bệnh thì nấm bệnh rất dễ phát tán nhờ sự cộng sinh của cây trồng. Do vậy, năng suất vườn cây thường không cao so với phương pháp chuyên canh một loại cây trồng.
Tuy nhiên, việc trồng xen nhiều loại cây trên cùng diện tích canh tác sẽ giúp nhà nông ổn định nguồn thu nhờ yếu tố mất giá cây trồng này thì còn cây trồng khác. Nhà nông Nguyễn Văn Cạnh vẫn biết nỗi lo diện tích sầu riêng được mở rộng đến mức cung vượt cầu nhưng từ trước đến giờ “mình có ăn, có chịu”. Vì vậy, nhà nông này tiếp tục chạy đua với cây sầu riêng bất chấp giá trên thị trường thấp hay cao.
Việc chọn cây sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình đang là ưu tiên số 1 hiện nay ở xã Nghĩa Bình. |
Xã Nghĩa Bình hiện có hơn 41 ha cây ăn trái, trong đó 12 ha cây sầu riêng đang cho sản phẩm. Mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt đã khiến 50 trong tổng 136,5 ha hồ tiêu của xã Nghĩa Bình chết vì dịch bệnh và thiếu công đầu tư chăm sóc. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình Nguyễn Thị Trang cho biết, qua khảo sát sơ bộ ban đầu, hầu hết diện tích hồ tiêu trên địa bàn bị chết nhanh, chết chậm trong mùa khô năm nay đang được người dân thay thế bằng cây sầu riêng. Điều đáng lo là cây sầu riêng và cây hồ tiêu có chung ký chủ gây bệnh rất nguy hiểm là nấm phytopthora. Nếu đất không được phơi ải, nghỉ ngơi và xử lý triệt để trước khi xuống giống thì bệnh thối rễ, xì mủ, khô thân, nứt cành trên cây sầu riêng là chuyện hiển nhiên.
Mặt khác, sầu riêng là cây trồng khá mẫn cảm với thời tiết, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc, đặc biệt giai đoạn cây đơm hoa, kết trái nếu lượng phân bón, thuốc và nước tưới không thích hợp sẽ dẫn đến năng suất thấp, thậm chí mất mùa, thất thu.
“Ngoài nhu cầu đầu tư phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật rất cao (bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha), cây sầu riêng còn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất khoa học gắn liền với kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Nếu nông dân cứ chăm bẵm vào giá thành sản phẩm mà không tính tới yếu tố vốn đầu tư và khoa học, kỹ thuật chăm sóc thì rất dễ thất bại trước sức hút của cây sầu riêng hiện nay” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình Nguyễn Thị Trang khuyến cáo.
0 nhận xét: