Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Lạng Sơn đã vận động tuyên truyền bà con trồng na an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm na hàng năm sau khi thu hái đều được tiêu thụ hết, giúp hàng nghìn hộ dân trong tỉnh xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định.
Chi Lăng là huyện có diện tích na lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, với tổng diện tích hơn 1.600 ha; sản lượng bình quân 16.000 tấn/ năm; giá trị kinh tế hơn 600 tỷ đồng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Chi Lăng chú trọng các biện pháp phát triển sản xuất na theo hướng VietGAP, na an toàn. Đến nay, huyện đã triển khai gần 140 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 1.100 ha na an toàn và năm ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đầu tháng 5 về thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, nơi được coi là “vựa na" lớn nhất của tỉnh. Ngay từ sáng sớm người dân trong thôn đã gọi nhau lên núi để chăm sóc cây na. Ông Hoàng Châu, 65 tuổi, vui vẻ cho biết: gia đình trồng na đã gần 30 năm nay, từ những năm đầu chỉ trong vài chục cây để ăn giờ đã phát triển trồng hàng nghìn cây trên dãy núi đá vôi và những khu vườn trong thung lũng. Cây na dễ trồng, chỉ sau ba năm đã cho quả, nhưng phải dày công chăm sóc thì quả na mới đẹp, to...
Hàng năm, khi cây na thu hoạch xong vào tháng bảy, tháng tám, khi sang đông cây na “ngủ đông", rụng hết lá. Đến mùa xuân cây mới lại đâm chồi, nảy nụ, thời điểm này người dân phải bỏ công chăm sóc bón phân (chủ yếu là phân hữu cơ), dọn cỏ, cắt tỉa cành cho cây na. Đặc biệt là vào mùa na ra hoa vào tháng năm này, người trồng na phải tỷ mỉ chọn từng bông hoa thụ phấn cho na, khi hoa cho quả lại phải đặt bẫy phòng trừ ruồi đục quả...
Ông Hoàng Châu cho biết thêm: hiện gia đình đã có hơn 2.000 cây na đều đã cho quả. Để nâng cao giá trị quả na, từ năm 2018, gia đình đã trồng 700 cây theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại trồng theo tiêu chuẩn na an toàn. Qua đó, năng suất, chất lượng năm 2018 tăng lên, đạt trên 15 tấn, tăng gần 6 tấn so với năm 2017. Nhận thấy hiệu quả từ trồng na theo hướng VietGAP, năm 2019, gia đình tôi mở rộng trồng na VietGAP từ 300 đến 500 cây.
Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn là trồng theo quy trình và được chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, sản phẩm na bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, na ít sâu bệnh và giá trị kinh tế cao hơn.
Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, Hoàng Văn Khai phấn khởi nói: toàn xã hiện có hơn 355 ha na, trong đó có 60 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năm ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những diện tích còn lại thực hiện sản xuất theo hướng an toàn. Vụ na năm 2018, toàn xã thu được hơn 3.200 tấn, ước đạt gần 100 tỷ đồng...
Cây na thật sự là cây xóa đói, giảm nghèo, chính nhờ vào việc phát triển cây na nhiều hộ gia đình ở xã Chi Lăng đã vươn lên làm giàu từ cây na. Có cuộc sống ổn định người dân đã góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng giao thông, nhà văn hóa... trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó vào năm 2014, xã Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội đã vận động tuyên truyền bà con thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, Lương Thành Chung khẳng định: Để phát triển theo hướng sản xuất na an toàn, na theo tiêu chuẩn VietGAP, những năm gần đây, chính quyền, ngành chuyên môn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp: tuyên truyền, tập huấn kiến thức về trồng na; tổ chức tập huấn kỹ thuật; xây dựng bẫy vườn mẫu tại các xã có na; bằng các nguồn vốn xây dựng mô hình vườn mẫu, hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng; tổ chức ký cam kết với người dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn na an toàn...
Vì vậy, từ năm 2018, toàn huyện phát triển được gần 140 ha na VietGAP, 5 ha na GlobalGAP, 1.100 ha na an toàn. Năm 2019, huyện mở rộng thêm ít nhất 50 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện hỗ trợ về bao bì đóng gói sản phẩm Na Chi Lăng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm,...
Ngoài sự chủ động của các xã, thị trấn, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển na an toàn, na theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp An Đô (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc diệt côn trùng... Các loại vật tư trên đều hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch như: phân bón, sử dụng phân vi sinh, gồm 4 chủng loại có thể hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển cây trồng, góp phần cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh; thuốc bảo vệ thực vật sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học...
Công ty làm việc với phòng chuyên môn của huyện, từ đó tiếp cận và sẵn sàng cung ứng cho người dân trồng na các sản phẩm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt côn trùng bảo đảm an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Để phát triển sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn, huyện Chi Lăng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kết nối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các vườn mẫu để tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vinh danh người dân sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, huyện phát động sản xuất na an toàn theo hướng VietGAP năm 2019 trong toàn huyện.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất na an toàn cho người dân xã Đồng Tân. |
Với sự đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm na Chi Lăng đã được Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”. Na Chi Lăng đã trở thành thương hiệu. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu: "Na Chi Lăng". Đến năm 2013, na Chi Lăng được tổ chức kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách "50 cây đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam".
Đến nay, diện tích trồng na không chỉ được phát triển mạnh ở huyện Chi Lăng, mà đã được bà con nông dân ở các xã ở vùng núi đá vôi huyện Hữu Lũng đưa vào trồng. Chỉ hơn 10 năm qua, huyện Hữu Lũng đã trồng được hơn 1.300 ha, ước tính sản lượng na năm 2018 đã đạt hơn 13 nghìn tấn. Sản phẩm na hàng năm được thu hái đều được tiêu thụ hết, giúp hàng nghìn hộ dân xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định.
0 nhận xét: