Khu nhà kính rộng 500m2 của chị Nguyễn Thị Nhung, thôn 4, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) đang chuẩn bị những công đoạn cuối cho vụ sản xuất mới. Được biết, đây là năm thứ 2 chị Nhung trồng dưa vân trong nhà kính lưới liên kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (xã Nhân Khang, Lý Nhân) để nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà kính công nghệ cao của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung xã Bình Nghĩa (Bình Lục). |
Chị Nhung cho biết: Cây giống dưa vân lưới đã được doanh nghiệp ươm và sẽ chuyển về trồng thời gian tới. Vì thế, gia đình phải chuẩn bị sẵn sàng để trồng ngay khi có cây giống.
Trên diện tích này, theo yêu cầu kỹ thuật chị trồng mật độ 1.100 cây. Vụ đầu tiên năm 2018, được hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật trồng, chăm sóc của doanh nghiệp, chị Nhung đã thu được 1,6 tấn quả. Với giá bán 30.000 đồng/kg (dưa loại 1), trừ mọi chi phí chị thu lợi 20 triệu đồng. Sang năm thứ 2 này, do đã nắm vững kỹ thuật sản xuất, cơ sở hạ tầng cho sản xuất đã hoàn thiện và hoạt động hiệu quả từ vụ trước, mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà kính công nghệ cao của chị Nhung hứa hẹn thu được hiệu quả cao hơn.
Cũng theo chị Nhung, với 500 m2 sản xuất và thời gian mỗi vụ chỉ trong 70 ngày, thu nhập từ trồng dưa vân lưới cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, kể cả cây ăn quả như bưởi, nhãn…
Cùng với mô hình sản xuất tại gia đình chị Nhung, các mô hình nhà kính công nghệ cao khác tại huyện Bình Lục cũng đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất dưa vân lưới mới. Tại mô hình của chị Hà Thị Lục, xã An Ninh (Bình Lục), sau vụ đầu tiên năm 2018 do đã nắm được kỹ thuật nên công tác chuẩn bị cho vụ mới được chủ động hơn. Theo chị Lục, do trồng dưa vân lưới công nghệ cao nên công tác chuẩn bị kỹ hơn rất nhiều so với các loại cây trồng bình thường khác. Quan trọng nhất là xử lý cho đất bảo đảm sạch bệnh trước khi đưa cây giống vào trồng.
Năm nay, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, ngoài việc tiếp tục duy trì liên kết với các mô hình nhà kính công nghệ cao tại huyện Bình Lục, doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng thêm mô hình liên kết tại huyện Lý Nhân. Công ty bảo đảm cung cấp giống cây dưa vân lưới, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, thu mua toàn bộ sản phẩm dưa vân lưới theo giá ký kết từ đầu vụ.
Theo kế hoạch năm 2019, các hộ sẽ bố trí trồng 2 vụ dưa vân lưới chính vụ để cây sinh trưởng, phát triển phù hợp nhất và cho năng suất cao. Được biết, năm 2018, chị Nguyễn Thị Nhung đã trồng thử nghiệm vụ dưa vân lưới trái vụ, tuy nhiên cây phát triển kém, hiệu quả thấp. Như vậy, sau 2 vụ dưa, các hộ sẽ tận dụng chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả sạch trong nhà kính để nâng cao thu nhập.
Ông Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam cho biết: Cây dưa vân lưới trồng trong nhà kính đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là trồng trái vụ. Do vậy, để bảo đảm an toàn và năng suất cao, người dân chỉ nên trồng 2 vụ chính. Đây là lý do mà thời gian trồng của các hộ dân muộn hơn so với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp đầy đủ lượng cây giống cần thiết và cùng đồng hành, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Cả 3 mô hình nhà kính công nghệ cao trồng dưa vân lưới tại huyện Bình Lục năm 2018 đều cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng rau, củ, quả truyền thống. Quan trọng hơn, người dân được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Điều này mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh và hình thành các mô hình làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất dưa vân lưới trong nhà kính công nghệ cao năm nay hứa hẹn sẽ thu được thắng lợi khi người dân đã được làm quen, hiểu rõ kỹ thuật và trực tiếp sản xuất từ vụ trước.
Chị Hà Thị Lục tin tưởng sau vụ đầu tiên làm quen, vụ dưa vân lưới năm nay sẽ đạt năng suất, cho thu nhập cao hơn, chứng minh được hiệu quả của liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
0 nhận xét: