Huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích thanh long chuyên canh lên gần 750 ha; trong đó, gần 50% diện tích đang thu hoạch với sản lượng trên 7.600 tấn quả/năm.
Ông Nguyễn Bình Xuyên, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Tân Phước cho biết, đây là cây trồng mới phát triển cho năng suất, sản lượng cao, là mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn. Nhiều hộ nông dân nhờ cây thanh long có thu nhập ổn định.
Ông Võ Văn Dũng, trồng 1,3 ha thanh long ruột đỏ tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước mỗi năm sản lượng đạt 40 tấn quả, giá bán 25.000 - 35.000 đồng/kg, tùy thời điểm, thu khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 700 triệu đồng.
Nhờ thanh long ruột đỏ, gia đình từ nghèo khó vươn lên có của ăn của để, trở thành nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười.
Theo ông Võ Văn Dũng, thanh long phù hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, thuận lợi về đầu ra. Việc áp dụng kỹ thuật xông đèn cho trái rải vụ, mỗi năm, nông dân có thể thu hoạch 8 đợt, tránh tình trạng được mùa, mất giá trước đây.
Hiện các ngành hữu quan huyện Tân Phước tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến cáo nông dân chọn giống tốt, sạch bệnh, tiến tới áp dụng quy trình canh tác theo hướng GAP để nâng khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản.
Huyện Tân Phước quy hoạch vùng trồng thanh long trọng điểm; trong đó, diện tích thanh long tập trung tại các xã: Tân Lập I, Tân Lập II, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa,…
0 nhận xét: