Nhiều năm qua, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An. Đồng thời, việc sản xuất chanh sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP là rất cần thiết để có thể liên kết doanh nghiệp ổn định giá và đầu ra sản phẩm.
Sản xuất chanh sạch
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 9.438ha chanh, bằng 105,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó có 7.419ha cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Tại huyện Bến Lức, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người trồng chanh chủ yếu canh tác theo hướng truyền thống nên đầu ra của sản phẩm vẫn chưa được ổn định. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức - Nguyễn Văn Tài thông tin: “Hiện xã có khoảng 500ha chanh, chủ yếu tập trung ở ấp 5 và ấp 6. Ban đầu, cây chanh được trồng theo hướng tự phát, nhưng mấy năm nay, nó trở thành cây mũi nhọn kinh tế của xã cũng như của huyện. Hiện nay, sản phẩm chanh ngoài tiêu thụ nội địa, còn phục vụ xuất khẩu.Xã luôn tích cực vận động, khuyến khích người trồng chanh tham gia các tổ hợp tác (THT), hướng tới thành lập hợp tác xã để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chanh, đặc biệt là chanh không hạt”.
Tổ trưởng THT Chanh không hạt ấp 6, xã Bình Đức - Nguyễn Văn Tươi cho biết: “Tôi bén duyên với cây chanh không hạt hơn 10 năm nay bởi loại chanh này có nhiều ưu điểm: Trái to, vỏ mỏng, vị chua có mùi thơm, nước nhiều,... Để chanh có đầu ra ổn định, tôi học hỏi cách trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, THT có 4 thành viên, diện tích canh tác trên 10ha”.
Cũng theo ông Tươi, THT hiện có 3ha chanh không hạt được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Trong năm qua, THT cung cấp khoảng 100 tấn chanh và được công ty thu mua với giá 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi thành viên có lãi từ 180-200 triệu đồng/ha. “Hiện nay, THT đang tích cực vận động người trồng chanh gia nhập THT, hướng tới thành lập hợp tác xã; đồng thời vận động người trồng chanh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đầu ra bền vững. Bước đầu, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ chấp nhận bao tiêu sản phẩm chanh không hạt với giá 16.000 đồng/kg đối với những diện tích chanh đạt chuẩn GlobalGAP; đồng thời cam kết hỗ trợ về kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất chanh sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP” - ông Tươi cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Thanh - thành viên THT Chanh không hạt ấp 6, xã Bình Đức, cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ dân trồng chanh cũng muốn tham gia vào THT nhưng vẫn còn lo ngại do chưa tiếp cận các quy trình kỹ thuật chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, người dân lo lắng chi phí đầu tư chuyển đổi cao mà đầu ra vẫn chưa được bảo đảm”.
Ông Lý Văn Đẹp (xã Bình Đức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Tôi chuyển từ 4ha mía sang trồng chanh hơn 5 năm nay. Hiện nay, tôi đang chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm, hướng đến ký kết hợp đồng bao tiêu dài hạn với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ. Vì thời gian qua, vấn đề đầu ra luôn là nỗi lo chung của người trồng chanh. Trước đây, với giá khoảng 5.000 đồng/kg, người trồng chanh đã có lợi nhuận, nhưng hiện tại, giá vật tư nông nghiệp tăng cao thì với giá 8.000 đồng/kg, người trồng chanh mới hoàn được vốn. Do đó, việc đầu tư chuyển đổi hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là cần thiết, vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa có thể an tâm về đầu ra”.
Cần sự liên kết
Theo Giám đốc Hợp tác xã Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp, chanh là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận thu được hàng năm từ 100-300 triệu đồng/ha. Nhưng hiện đầu ra sản phẩm chưa ổn định, phần lớn vẫn phụ thuộc vào thương lái. Giá chanh hiện nay cũng lên xuống thất thường, có lúc lên hơn 30.000 đồng/kg, nhưng có khi rớt giá thê thảm. Vì vậy, để đầu ra của chanh ổn định, nông dân cần liên kết doanh nghiệp để tránh tình trạng được mùa - rớt giá.Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc liên kết, tạo cầu nối cho nông dân với doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Bình Đức, huyện Bến Lức - Trần Văn Sơn thông tin: “Thời gian tới, xã sẽ phối hợp các ngành chức năng và các ban chuyên môn tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, xã tiếp tục làm cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và đi đến xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua theo hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để người trồng chanh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, ngành sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mục tiêu là hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mô hình chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn. Ngoài ra, ngành tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm chanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp thu mua chanh phần lớn để xuất khẩu và có khoảng 200ha chanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được công ty bao tiêu đầu ra. Hiện tỉnh đề ra mục tiêu phát triển diện tích cây chanh trên địa bàn theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ phát triển lên trên 10.000ha, trong đó phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, giúp sản phẩm của nông dân có đầu ra ổn định, đưa sản phẩm chanh đến với thị trường thế giới”.
"Để người trồng chanh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, ngành sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện
0 nhận xét: