Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ thực sự trở thành nguồn sinh kế mới cho người dân xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đã mở ra cơ hội cho việc xây dựng thương hiệu nông sản trên mảnh đất này.
Cây thanh long ruột đỏ rất dễ trồng, quan trọng là các bước chăm sóc để cây đạt chất lượng và sản lượng cao. |
Nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương, năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh đã chọn cây thanh long ruột đỏ làm mô hình thử nghiệm, theo dõi đánh giá khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ở xã Vạn Ninh.
Mô hình được triển khai thử nghiệm tại 3 hộ gia đình: anh Trần Văn Nhân thôn Đại Phúc, Bùi Tiến Cảm thôn Áng Sơn và hộ chị Bùi Thị Hoa ở thôn Đồn. Đây là loại cây trồng chưa phổ biến tại địa phương, thị trường tiêu thụ rộng nên việc huyện chọn thanh long ruột đỏ để trồng là quyết định đúng, phù hợp chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vạn Ninh.
Chị Hoàng Thị Bích Hậu, thôn Đại Phúc vui vẻ chia sẻ: "Gia đình tôi may mắn được ghép cùng hộ anh Trần Văn Nhân trồng 100 gốc cây thanh long để thử nghiệm. Thời gian đầu, gia đình tôi cũng lo lắng vì cây thanh long ruột đỏ là cây trồng còn quá mới mẻ, đầu ra chưa ổn định…Nhưng, gia đình được hỗ trợ kinh phí, được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, nên cây phát triển tốt, tỷ lệ sống và tỷ lệ sinh trưởng cao. Hiện vườn thanh long của gia đình đã cho thu hoạch được 4 năm, hiệu quả kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Gia đình tôi đã nhân rộng được 300 gốc. Đặc biệt, khi trái chín, thương lái đến tận vườn để thu mua với giá cao".
Khi thấy mô hình hiệu quả, gia đình chị Nguyễn Thị Mai, thôn Đại Phúc đã học hỏi kinh nghiệm và đưa giống về trồng. Đến nay, gia đình chị đã nhân rộng được 300 gốc. Trong một năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng (từ tháng 4-9 âm lịch), sản lượng sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân trên 15 năm tùy theo khả năng chăm sóc. Với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, ước tính sau vụ thu hoạch này, thanh long ruột đỏ sẽ mang lại cho gia đình chị Mai thu nhập hàng chục triệu đồng.
Là một trong những người trồng cây thanh long thành công, chị Mai đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và xử lý để thanh long cho quả đạt chất lượng cao nhất. Chị Mai cho biết: “Trồng thanh long không khó, quan trọng là các bước chăm sóc để đạt năng suất, chất lượng cao, có như vậy mới thu hút được nhiều thương lái và người dân đến thu mua. Để trồng thanh long ruột đỏ, việc bảo đảm nguồn nước và ánh sáng là điều kiện tối ưu để cây phát triển tốt hơn".
Trước và sau khi xử lý ra hoa, cần phải bón thêm phân hữu cơ để cây khỏe mạnh, nuôi trái tốt. Ngoài ra, người trồng cần thường xuyên cắt bỏ những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh.
Ông Lê Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Ninh cho biết, sau 5 năm triển khai, hiện mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã Vạn Ninh với hơn 300 hộ tham gia. Đây là loài cây rất dễ trồng và dễ chăm sóc, bà con chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành bố mẹ giâm làm giống, cho trái đẹp, chất lượng, sai quả, năng suất cao hơn thanh long ruột trắng và có khả năng ra trái vụ.
Những hộ gia đình được thử nghiệm ban đầu vừa bán quả, bán giống, vừa nhân rộng nên hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn, như: hộ anh Trần Văn Nhân, Bùi Tiến Cảm…
Hiện ở Vạn Ninh, thanh long ruột đỏ được khách hàng ưa chuộng, thương lái tìm về tận các vườn để thu mua, không đủ để bán. Thành phần dinh dưỡng của thanh long ruột đỏ được đánh giá là gấp đôi thanh long ruột trắng. Đây là cây trồng có nhiều tiềm năng, không chỉ cho năng suất, chất lượng mà hiệu quả kinh tế rất cao, do đó, chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng giúp bà con thoát nghèo và tăng thu nhập.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình ra toàn xã, trong thời gian tới, cần xây dựng đề án, hỗ trợ nông dân vay vốn để mở rộng mô hình. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền và các ngành chức năng cần quan tâm, tập huấn kỹ thuật để nông dân thuận lợi trong sản xuất và mở rộng diện tích. Xã đang hướng tới xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ Vạn Ninh để tạo thuận lợi cho việc xâm nhập các thị trường tiềm năng.
Từ mô hình thử nghiệm, đến nay, có thể đánh giá mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Vạn Ninh rất thành công, có sức lan tỏa. Đây cũng là thành công của việc dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền và người dân Vạn Ninh, hướng tới sản xuất hàng hóa, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
0 nhận xét: