Chỉ hơn 600 cây na, thế nhưng vườn na của anh Lê Văn Ất (xã Kong Yang, huyện Kong Chro, Gia Lai) mỗi năm đạt hơn 11 tấn, gấp 2,3 lần so với những vườn na xung quanh. Với việc chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây ăn quả đã giúp cho hộ anh Ất “thoát nghèo”, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Làm giàu nhờ trồng na trên vùng đất cằn Kong Yang.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ trồng mía sang trồng na, nhiều năm nay đời sống kinh tế của người dân trên vùng đất cằn thuộc huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai đã khởi sắc. Từ người dân “một nắng hai sương” nay đã trở thành triệu phú ở vùng “đất cằn”, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ cây ăn quả.
Ngược về xã Yang Trung, huyện Kong Chro, vùng đất vẫn được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Thế nhưng trước mắt chúng tôi là những vườn na xanh tốt, trĩu quả. Theo đó, trước đây vùng đất này được phủ bởi màu xanh của cây mía, cây mì. Những năm gần đây, nhận thấy mía và mì không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả.
Với việc chuyển đổi mô hình cây trồng đã giúp cho gia đình anh Ất và các hộ khác thoát nghèo trên vùng đất cằn. |
Chỉ với 650 cây na cho thu hoạch, thế nhưng vườn na của anh Lê Văn Ất ( xã Kong Yang) đã nổi tiếng khắp vùng đất cằn vì năng suất cũng như chất lượng. Theo đó, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng hơn 11 tấn, doanh thu gần 300 triệu đồng/ năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn na trĩu quả, anh Ất kể lại: “Trước kia đây là vùng đất xấu, khô cằn, toàn sỏi đá nên trồng cây gì cũng chết. Chỉ có cây mì và cây mía sống sót, nhưng mấy năm nay giá cả thấp nên năm 2014 tôi chuyển qua trồng na. Loại na này chỉ hơn 3 năm là cho thu hoạch rồi, giá cả lại ổn định nữa, cũng nhờ vườn na này tôi đã thu nhập để nuôi các con ăn học và phát triển kinh tế gia đình…”.
Sau khi thu hoạch xong, thương lái đã tự đến vườn của anh Ất thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng na anh Ất cho hay: “Vì đất đai ở đây cũng phù hợp với loại cây ăn quả này, nên na phát triển rất nhanh. Các công đoạn chăm sóc na cũng rất đơn giản, ngoài việc bổ sung phân bón và nước thì cần phải tỉa cành và vặt lá đúng thời điểm để na có thể ra hoa, đậu quả. Cụ thể, cành chỉ cần tỉa bớt những những cành nhỏ mọc trong tán để cây được thông thoáng hơn. Còn công đoạn vặt lá, trước khi na ra hoa mình phải vặt lá trước một tháng, việc vặt lá thay vì phun thuốc để cây rụng lá sẽ an toàn hơn và tránh được nhiều loại bệnh như bọ trĩ, sâu đục quả… ”.
Không chỉ hộ gia đình của chú Ất, trên vùng đất cằn này còn có khá nhiều vườn na mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Điển hình là mô hình trồng na của ông Nguyễn Văn Lợ (xã Yang Trung), với 6 sào na mỗi năm ông Lợ cũng rủng rỉnh bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất đã giúp sản lượng của hộ anh Ất tăng nhiều lần so với các gia đình khác. |
Đánh giá về việc chuyển đổi cây trồng từ trồng mía sang trồng na, ông Võ Văn Hưng – Trưởng phòng nông ngiệp huyện Kong Chro cho biết: “Trước đây, cây trồng chủ lực của huyện là cây mía, mì và ngô lai. Tuy nhiên, mía ngày càng giảm giá, nhà máy cũng thu mua chậm nên người dân chuyển dần sang các loại cây ngắn ngày. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng mở rộng diện tích đối với các loại cây ăn quả như: Na, quýt đường, thăng long. Bước đầu cho thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khá hiệu quả, bởi thổ nhưỡng đất ở đây cũng khá phù hợp với những loại cây này”.
“Theo như khảo sát của chúng tôi, một số mô hình trồng na mang lại hiệu quả cáo như, mô hình của ông Lê Văn Ất ở xã Kong Yang. Phòng nông nghiệp cũng thường xuyên trao đổi với trạm khuyến nông, xã để mở những lớp tập huấn về cây trồng, định hướng báo cáo nhiều mô hình cây ăn trái mang lại hiệu quả cao…”.
0 nhận xét: